Bị đồng minh châu Âu bỏ mặc và lên án sau cuộc đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ càng quyết tâm nối lại quan hệ toàn diện với Nga, sau thời gian dài khủng hoảng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hội đàm ngày 9/8. Ảnh: BBC |
Ngày 9/8, lần đầu tiên kể từ sau sự cố Ankara bắn rơi máy bay Su-24 của không quân Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến thăm Nga và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp gỡ này không chỉ chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài, mà còn hứa hẹn một thời kỳ "trăng mật" mới trong quan hệ với hai nước, theo La Croix.
Theo bình luận viên Benjamin Quénelle, bất chấp lời xin lỗi của ông Erdogan gửi đến Tổng thống Nga Putin cách đây một tháng, quan hệ hai nước vẫn thiếu sự tin tưởng nhất định bởi những khác biệt trong quan điểm về hồ sơ Syria. Tuy nhiên, thái độ của các đồng minh châu Âu, đặc biệt là các quốc gia trong khối Liên minh quân sự NATO, sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ càng khiến Ankara quyết tâm khôi phục quan hệ với Moscow.
Phản ứng của Nga trước cuộc binh biến tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7 đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng. Ông Putin là một trong số các nhà lãnh đạo đầu tiên gọi điện cho ông Erdogan để lên án hành động mà ông cho là vi hiến này, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ. Đặc biệt hơn, Moscow không hề đưa ra bất kỳ chỉ trích nào đối với chiến dịch thanh trừng nội bộ mà Ankara tiến hành sau đó.
"Phản ứng của Nga hoàn toàn trái ngược với những phản ứng từ các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia Jeffrey Mankoff, thuộc trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 6/8 với Le Monde, ông Erdogan bác bỏ các cáo buộc cho rằng Ankara đang tiến hành đàn áp hậu đảo chính, đồng thời đe dọa sẽ cắt đứt các thỏa thuận về nhập cư đã ký với châu Âu.
Ngày 7/8 hơn một triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn xuống đường theo lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan. Trong cuộc biểu tình vì "dân chủ và các liệt sĩ" này, ông Erdogan kêu gọi dân chúng ủng hộ tái lập án tử hình bất chấp sự phản đối gay gắt từ phương Tây. Quan hệ giữa chính quyền Ankara và EU đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất từ trước đến nay.
"Mặc dù quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga hiện vẫn còn đầy bất trắc, quan hệ với các cường quốc phương Tây bị suy yếu có thể là lực đẩy cho tiến trình hòa giải giữa hai quốc gia này", một chuyên gia thuộc ủy ban Quan hệ quốc tế của Hội đồng châu Âu đánh giá.
Thời kỳ trăng mật
Một đường ống khí đốt hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Cyprus Mail |
Theo AFP, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay chưa bao giờ thực sự cởi mở, do những cạnh tranh về ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, cả Moscow và Ankara đều nỗ lực hạn chế những tranh cãi có khả năng làm tổn hại đến mối quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược giữa hai nước.
Theo chuyên gia Mankoff, cuộc gặp này trước tiên là một tín hiệu gửi đến phương Tây rằng Moscow và Ankara vẫn là đối tác chính của nhau. Những tranh cãi vừa qua chỉ là sự xung khắc của lãnh đạo chứ không phải là bất đồng căn bản trong chính sách đối ngoại.
Tiếp đó, cuộc gặp gỡ này cũng báo hiệu một thời kỳ dài quan hệ hai nước đi vào ổn định, bởi cả hai đang cần hòa giải và khắc phục những khó khăn về kinh tế và đối ngoại.
Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn giảm thiểu và khôi phục những thiệt hại mà nước này phải hứng chịu do các lệnh trừng phạt của Nga, vốn gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và xây dựng với kim ngạch thương mại giảm 43% trong giai đoạn tháng 1-5/2016. Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị tổn hại nặng nề, với số lượt du khách Nga giảm 93% trong tháng 6/2016 so với cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra Ankara cũng muốn khôi phục quá trình đàm phán xây dựng đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ), với công suất dự kiến là 31,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.
Về phần mình, Nga cũng muốn thông qua mối quan hệ mới được tái lập giữa hai nước để chứng minh rằng chính sách cô lập Moscow của phương Tây không có tác dụng.
Nga cũng hy vọng sự "tái hợp" này sẽ giúp Kremlin đẩy mạnh việc xây dựng các tuyến đường ống khí đốt từ biển Caspi sang châu Âu nhằm đối phó lại tuyến đường ống mà EU muốn xây dựng chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, để giảm phụ thuộc vào năng lượng, từng bước cô lập Nga.
"Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn sử dụng lá bài Nga để giảm áp lực từ Mỹ và EU. Còn ông Vladimir Putin cũng biết điều đó, và sử dụng việc xích lại với Ankara như là một đòn bẩy mới cho ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông và nơi khác", chuyên gia quan hệ quốc tế Maxime Ioussine nhận định.
Xem thêm: Xuống nước xin lỗi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng sức ép.
Nguyễn Hoàng
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, TurkStream, đảo chính