Bắc Kinh sẽ xây dựng một phòng thí nghiệm tài nguyên biển tại tỉnh Hải Nam nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu hút bùn Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi năm ngoái. Ảnh: NYT |
"Phòng thí nghiệm này là một công trình trọng điểm quốc gia, sẽ được xây dựng vào tháng 11/2016, dựa trên ý tưởng của cục Khoa học và Công nghệ Hải Nam và đại học Hải Nam, nhằm hỗ trợ cả công nghệ và nguồn nhân tài cho chiến lược Nam Hải của Trung Quốc", China Dayly hôm qua dẫn lời một quan chức tỉnh Hải Nam cho biết. Nam Hải là cách Trung Quốc gọi Biển Đông.
Bên cạnh mục đích nghiên cứu, sử dụng các nguồn tài nguyên biển, Bắc Kinh hy vọng phòng thí nghiệm sẽ giúp ích cho việc củng cố các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông.
Huang Bangqin, giáo sư sinh học biển và môi trường, thuộc đại học Hạ Môn, Trung Quốc cho rằng đây là cách "tốt nhất để bảo vệ quyền lợi" của Trung Quốc ở Biển Đông
Theo Phó giám đốc phòng thí nghiệm, Chen Yongjun, sẽ có khoảng 40 nhà nghiên cứu làm việc tại đây. Ban đầu họ tuyển 24 nhà nghiên cứu từ các trường đại học và sau đó sẽ tuyển thêm các "tài năng" ở trong và ngoài nước.
Theo các kế hoạch hoạt động 5 năm, phòng thí nghiệm sẽ nhận mỗi năm 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD) từ chính quyền tỉnh Hải Nam cho việc xây dựng, hoạt động hàng ngày, các dự án nghiên cứu và tuyển dụng nhân sự.
Đầu tháng 6/2016, Trung Quốc cũng tuyên bố muốn xây dựng một phòng thí nghiệm sâu hàng nghìn mét dưới Biển Đông để tìm kiếm khoáng sản nhưng cũng có thể sử dụng vào mục đích quân sự.
Tòa Trọng tài hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" nước này đơn phương đưa ra ở Biển Đông. Trung Quốc khăng khăng tuyên bố phớt lờ phán quyết của tòa, và không có dấu hiệu cho thấy sẽ chịu nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Xem thêm: Quy mô của nhà chứa máy bay quân sự Trung Quốc xây ở Trường Sa.
Nguyễn Hoàng
phòng thí nghiệm, Hải Nam, Trung Quốc, Huang Bangqin