Thế giới

Mỹ muốn tránh đối đầu ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố muốn tránh "đối đầu" ở Biển Đông, sau khi Tòa Trọng tài bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết vùng biển.

Tàu sân bay Mỹ từng tham gia hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: USNavy

Tàu sân bay Mỹ từng tham gia hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: USNavy

"Bản thân phán quyết mang tính ràng buộc, nhưng chúng tôi không cố gây đối đầu", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay tuyên bố sau cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay ở Manila. Tại cuộc gặp, hai nhà ngoai giao bàn về thắng lợi của đất nước Đông Nam Á trong vụ kiện về yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói Washington muốn Trung Quốc và Philippines tham gia thảo luận và có "biện pháp xây dựng lòng tin". Ông cho biết Mỹ nhìn thấy "cơ hội" cho các bên để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

"Chúng tôi mong được thấy một tiến trình sẽ thu hẹp phạm vi địa lý của tranh chấp hàng hải, lập tiêu chuẩn cho các hành vi ở khu vực tranh chấp, từ đó đi đến những biện pháp các bên cùng chấp nhận được, có thể thậm chí là một chuỗi bước xây dựng lòng tin", ông nói.

Đến Manila sau khi dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Lào, ngoại trưởng Mỹ hôm nay cũng gặp Tổng thống Rodrigo Duterte. John Kerry cho biết ông sẽ kêu gọi ông Duterte tham gia đối thoại và "sang trang" với Trung Quốc. 

Tòa Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hôm 12/7 ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". "Đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đưa ra đi ngược lại với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.

Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nơi lượng hàng hóa thương mại trị giá 5 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm. Vùng biển được cho là có nguồn dầu khí khổng lồ.

Trọng Giáp

VNExpress

Mỹ, Biển Đông, John Kerry, Perfecto Yasay


© 2021 FAP
  2,862,833       4/1,303