Thế giới

J-11 - Tiêm kích nhái Trung Quốc diễu võ dương oai ở Biển Đông

Tiêm kích J-11 Trung Quốc triển khai ở Biển Đông thực chất là bản sao chép chưa hoàn chỉnh của chiến đấu cơ Su-27 của Nga.

j-11-tiem-kich-nhai-trung-quoc-dieu-vo-duong-oai-o-bien-dong

Tiêm kích J-11 của không quân Trung Quốc diễn tập phóng tên lửa. Ảnh: SinoDefense

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin các chiến đấu cơ J-11 của không quân nước này đã hộ tống máy bay ném bom H-6K cùng máy bay tiếp dầu tuần tra trên bãi cạn Scarborough sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. J-11 cũng chính là chiến đấu cơ Trung Quốc từng triển khai phi pháp lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo các chuyên gia quân sự, tiêm kích Thẩm Dương J-11 thực chất chỉ là một phiên bản sao chép của tiêm kích đa nhiệm Su-27 Nga, được tích hợp các công nghệ nội địa mà không có sự cho phép của Moscow. Các biến thể của J-11 như J-15 và J-16 sau đó đã trở thành quân bài trong nỗ lực chế tạo tiêm kích tầm xa thế hệ 4 để Trung Quốc có thể diễu võ dương oai ở Biển Đông, theo National Interest.

Quá trình phát triển

Theo chuyên gia quân sự Sebastien Roblin của National Interest, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên ngoài các nước thuộc Liên Xô cũ mua 34 chiếc Su-27SK và 40 máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi Su-27UBK với giá 30-40 triệu USD mỗi chiếc trong giai đoạn 1992-2000. Tiêm kích Su-27SK được trang bị tên lửa không đối không R-27 và R-73 nhưng hầu như không được trang bị vũ khí không đối đất nên Trung Quốc yêu cầu các chiến đấu cơ này phải được gia cố để có thể gắn bom nặng hơn.

Tuy nhiên, vào năm 1995, Trung Quốc tuyên bố không muốn mua Su-27 lắp ráp hoàn chỉnh ở Nga mà muốn trả tiền để được cấp phép sản xuất loại máy bay này ở trong nước. Nga đã đồng ý với hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD cho Trung Quốc sản xuất 200 chiến đấu cơ Su-27, được tái định danh là J-11, với  điều kiện phải dùng động cơ và hệ thống điện tử của Nga.  

Nga nếm trái đắng vào năm 2004, khi bản hợp đồng mới thực hiện được một nửa. Sau khi lắp ráp xong 100 chiếc đầu tiên, Trung Quốc tuyên bố hủy hợp đồng 100 chiếc còn lại với lý do Su-27 không còn đáp ứng nhu cầu của họ về  khả năng mang các vũ khí dẫn đường chính xác.

Ba năm sau, Trung Quốc tuyên bố Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương đang sản xuất tiêm kích J-11B, mẫu tiêm kích được cho là có tới 90% bộ phận được sản xuất trong nước. Dù Trung Quốc khẳng định J-11 không có bất kỳ liên quan nào tới Su-27, nhưng giới quân sự dễ dàng nhận ra hai mẫu máy bay có bộ khung gần như giống hệt nhau.

j-11-tiem-kich-nhai-trung-quoc-dieu-vo-duong-oai-o-bien-dong-1

Tiêm kích Su-27 của Nga. Ảnh: Sputnik

Việc Bắc Kinh không thanh toán toàn bộ hợp đồng và làm nhái Su-27 khiến Nga tức giận và dọa kiện nước này vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nhiều năm. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc chiếm tới 40% doanh số bán vũ khí quân sự Nga trong 8 năm đầu thế kỷ 21 khiến các nhà sản xuất Nga dường như không muốn trả đũa sau đó.

Mẫu tiêm kích nhái

Theo Roblin, rất nhiều bộ phận của tiêm kích J-11B đã được hiện đại hóa và do Trung Quốc chế tạo hoàn toàn mới như mũ phi công và buồng lái, thiết bị tạo oxy trong khoang lái, cùng hệ thống cảnh báo tên lửa quang học. Radar N001E cũ của Nga được thay bằng radar xung lặp Type 1493 của Trung Quốc được cho là có thể phát hiện các chiến đấu cơ ở khoảng cách trên 144 km và các tàu chiến mặt nước ở khoảng cách trên 321 km. Thân máy bay được làm bằng vật liệu composite nhẹ hơn.

Tiêm kích J-11B cũng được trang bị các tên lửa và vũ khí Trung Quốc như tên lửa tầm ngắn dẫn đường bằng hồng ngoại PL-8 và tên lửa tầm xa dẫn đường bằng radar PL-12. Một loạt các vũ khí đất đối không do Trung Quốc chế tạo như tên lửa chống radar, bom dẫn đường bằng laser và bom liệng cũng được tích hợp dù pháo GSh-30 30 mm của Nga được giữ nguyên.

Tuy nhiên, J-11B của Trung Quốc có một “tử huyệt” là động cơ phản lực nội địa WS-10A Taihang, được cho là cần phải kiểm tra lại sau mỗi 30 giờ bay nếu so với 400 giờ bay của động cơ AL-31F ban đầu trên tiêm kích Su-27 Nga. Những chiếc J-11B đầu tiên đã bị cấm bay để lắp lại động cơ AL-31F.

Dù các vấn đề nghiêm trọng nhất được cho là đã giải quyết xong nhưng động cơ WS-10A vẫn hầu như không có chút danh tiếng nào khi việc sản xuất quá ít ỏi so với nhu cầu và kiểm soát chất lượng vẫn là một vấn đề lớn khi ngày càng nhiều động cơ này bị trả lại nhà máy.

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng động cơ WS-10A không tạo lực đẩy mạnh bằng động cơ AL-31F cũng như giúp nó cất cánh nhanh. Ngoài ra, độ tin cậy và lực đẩy của động cơ WS-10A là một vấn đề lớn không chỉ với dự án J-11 mà cả với chương trình tiêm kích tàng hình của Trung Quốc.

Các biến thể của J-11

Từ mẫu J-11 này, Trung Quốc đã "biến hóa" thành nhiều phiên bản khác nhau. Các biến thể sau đó của nó gồm máy bay huấn luyện có thể tác chiến J-11BS và biến thể hải quân J-11BH. Có khoảng 120 chiếc J-11B các loại được cho là đã đưa vào biên chế trong năm 2015.

Ngoài ra còn có thêm hai phiên bản nhái dòng Flanker của Trung Quốc gồm tiêm kích J-15 “Flying Shark” và tiêm kích J-16 “Red Eagle”.

Tiêm kích J-15 là phiên bản nhái của Su-33, một biến thể hải quân của Su-27 để hoạt động trên tàu sân bay với đôi cánh cụp, bộ hạ cánh được gia cố và một móc giữ. Hiện hải quân Trung Quốc có 24 chiếc J-15 trên khoang tàu sân bay này.

Tiêm kích J-15 được cho là có uy lực tương đương tiêm kích FA-18E/F Mỹ nhưng việc trang bị động cơ không đủ lực đẩy WS-10A rõ ràng hạn chế nó thao tác cất cánh kiểu nhảy cầu trên tàu sân bay Liêu Ninh trong trường hợp mang theo 12 tấn vũ khí thông thường hoặc khi nạp đủ nhiên liệu và 2 tấn vũ khí.

Trong khi đó, tiêm kích J-16 là một bản sao chép của tiêm kích hai ghế ngồi Su-30 MKK Flanker được hiện đại hóa và cấu hình lại để mang theo các vũ khí của Trung Quốc, giúp nó trở thành một máy bay uy lực ngang với tiêm kích F-15E Strike Eagle của Mỹ. Một trung đoàn khoảng 24 tiêm kích J-16 được cho là đã đưa vào phục vụ hồi 2014 và hàng trăm chiếc khác sẽ được sản xuất vào năm 2020.

Tháng 12/2015, Trung Quốc ra mắt biến thể tác chiến điện tử J-16D được trang bị thêm các pod gây nhiễu ở hai đuôi cánh, rõ ràng để thực hiện vai trò chế áp hệ thống phòng không đối phương trước khi tấn công, tương tự như tiêm kích tấn công điện tử EA-18 Growler Mỹ. J-16 D còn được tích hợp các gói liên kết dữ liệu giúp chia sẻ qua thiết bị cảm biến với các tàu và máy bay khác.

j-11-tiem-kich-nhai-trung-quoc-dieu-vo-duong-oai-o-bien-dong-2

Tiêm kích hạm J-15 sao chép từ Su-33 Nga. Ảnh: Military-today

Cả J-15 và J-16 đều được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) giúp cải thiện khả năng tác chiến không đối không và chỉ thị mục tiêu cho nhiều vũ khí dẫn đường chính xác cùng lúc. Chúng cũng được tích hợp vật liệu hấp thụ radar để giảm khả năng bị phát hiện.

Cũng trong năm 2015, Trung Quốc gây sửng sốt khi tiết lộ họ đã phát triển một nguyên mẫu công nghệ cao J-11D tích hợp radar AESA cùng vật liệu hấp thụ radar và khả năng tiếp liệu trên không. Chiến đấu cơ này cũng được bổ sung hai giá treo dưới cánh để trang bị các tên lửa không đối không PL-10, PL-15 và PL-21 mới cùng các tên lửa diệt hạm YJ-12.  Tuy nhiên, J-11D kém linh hoạt và có tầm bay ngắn với lượng vũ khí ít hơn so với  Su-35.

Việc Trung Quốc phát triển các tiêm kích J-11D và J-16 cho thấy Trung Quốc đang bắt chước học thuyết tác chiến kết nối mạng kiểu Mỹ, tuy nhiên hiệu suất của các động cơ nội địa của nước này vẫn là một vấn đề nan giải chưa thể khắc phục trong ngắn hạn, Roblin nhấn mạnh.

Xem thêm: Chiến đấu cơ Trung Quốc có thể 'rụng như sung' trong tương lai

Duy Sơn

VNExpress

j-11, chiến đấu cơ, biển đông


© 2021 FAP
  2,864,325       3/1,336