Ngoại trưởng hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đồng ý sẽ lập quỹ hỗ trợ để giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời Thế chiến II gây tranh cãi nhiều năm qua.
Các nô lệ tình dục người Hàn Quốc, nay đã cao tuổi, biểu tình phản đối Nhật Bản. Ảnh: Telegraph. |
Theo Japan Times, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Yun Byung-se hôm 25/7 đồng ý lập quỹ hỗ trợ trong tuần này dành cho các phụ nữ Hàn Quốc bị buộc phải làm công cụ giải trí cho lính Nhật thời Thế chiến II.
Tokyo cam kết chi số tiền 9,5 triệu USD cho quỹ do Seoul quản lý để giúp đỡ các "phụ nữ mua vui", cách gọi khác của nô lệ tình dục, còn sống sót . Tuy nhiên, một số ý kiến trong đảng Tự do Dân chủ cầm quyền tại Tokyo cho rằng không nên giải ngân số tiền nói trên nếu Seoul không dỡ các bức tượng nô lệ tình dục trước cửa đại sứ quán Nhật.
Hồi tháng 2, Nhật Bản nộp báo cáo lên Ủy ban Công ước Xóa bỏ mọi Phân biệt Đối xử với Phụ nữ của Liên Hợp Quốc, trong đó chính thức bác bỏ việc cưỡng ép phụ nữ làm nô lệ tình dục thời Thế chiến II.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố việc cưỡng ép là một thực tế lịch sử không thể chối cãi, và Nhật cần tránh các bình luận có thể làm tổn hại thỏa thuận song phương hai nước đạt được cuối năm ngoái.
Năm ngoái, Tokyo và Seoul tuyên bố đã đạt thỏa thuận về việc Nhật sẽ gửi một tỷ yên (8,3 triệu USD) vào một quỹ dành cho những "phụ nữ mua vui" và quỹ sẽ do chính phủ Hàn Quốc quản lý.
Khoản tiền đi kèm lời xin lỗi của thủ tướng Nhật và việc thừa nhận "trách nhiệm sâu sắc" về vấn đề. Hàn Quốc nói nước này sẽ coi vấn đề đã được giải quyết "lần chót và không thể đảo ngược" nếu Nhật làm đúng như đã hứa.
Giới học giả hiện vẫn tiếp tục tranh cãi về số phụ nữ bị bắt phục vụ nhu cầu thể xác của lính Nhật. Theo các nhà hoạt động xã hội, có thể có tới 200.000 phụ nữ Hàn Quốc và Triều Tiên.
Vấn đề "phụ nữ mua vui" từ lâu đã là nguồn cơn gây mâu thuẫn giữa hai nước. Hiện chỉ còn 46 phụ nữ Hàn Quốc từng là nô lệ tình dục còn sống.
Xem thêm: Nô lệ tình dục mong chờ lời xin lỗi từ Nhật Bản
Văn Việt
nô lệ tình dục, phụ nữ mua vui, nô lệ tình dục chiến tranh