Trung Quốc tỏ ra nhượng bộ khi đề xuất thỏa thuận tạm thời cùng khai thác tài nguyên Biển Đông với Philippines, nhưng giới chuyên gia đặt ra nhiều nghi ngờ về sự thay đổi này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng nhiệm Philippines Perfecto Yasay. Ảnh: AP |
Theo AP, sau khi Tòa Trọng tài ngày 12/7 ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã thực hiện chiến vận động để hạ uy tín của tòa, đồng thời đưa ra những lời lẽ giận dữ và chỉ trích kịch liệt. Tuy nhiên, khi vấp phản phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã nêu lên lập trường mới về hợp tác với Philippines và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, trong việc khai thác chung nguồn cá dồi dào và tài nguyên thiên nhiên khác.
"Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các nước có liên quan về các thỏa thuận tạm thời trong khi chờ đợi biện pháp xử lý tranh chấp cuối cùng", nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì nói hai tuần trước. Ông Dương không mô tả chi tiết cụ thể về thỏa thuận, nhưng nói rằng chúng sẽ bao gồm các hoạt động cùng khai thác vì "lợi ích chung".
Các tuyên bố chính thức khác cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các "thỏa thuận tạm thời có tính thực tế", cụm từ khá giống ngôn ngữ được sử dụng trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo UNCLOS, những "thỏa thuận tạm thời" được thực hiện nhằm gác vấn đề chủ quyền sang một bên và thúc đẩy hoạt động khai thác chung, với nhận thức rằng sự hợp tác này sẽ không thúc đẩy và cũng không làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của một quốc gia.
Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sự thay đổi trong giọng điệu đó đánh dấu một cách tiếp cận mới của Trung Quốc.
"Đây là lần đầu tiên ý tưởng về thỏa thuận tạm thời được đề xuất như một chính sách", Zhu Feng, giám đốc điều hành của Trung tâm Trung Quốc về Hợp tác Nghiên cứu Biển Đông của Đại học Nam Kinh, cho biết.
Ông Zhu cho biết theo UNCLOS, những thoả thuận tạm thời đó có thể mở rộng phạm vi hợp tác giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác, không chỉ trong khai thác dầu mà còn trong phát triển ngành thủy sản, du lịch và các nguồn tài nguyên khác.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã công khai "chào hàng" ý tưởng cùng khai thác Biển Đông với các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn khác, nhưng việc họ khăng khăng rằng bên kia phải công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đã đặt ra trở ngại lớn, giới quan sát nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thay đổi giọng điệu, chấp nhận "các thỏa thuận tạm thời trong khi chờ đợi biện pháp xử lý tranh chấp cuối cùng" có thể là một nỗ lực nhằm ngăn chặn ý định của các nước tranh chấp khác cũng muốn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế giống như Philippines.
Thách thức chính của Trung Quốc là phán quyết hôm 12/7 cho các bên khác ít động lực để đối thoại.
"Vấn đề là theo phán quyết, Trung Quốc chỉ hưởng một phần rất nhỏ lãnh hải, do đó các bên tranh chấp khác có cơ sở để không muốn phát triển chung với Trung Quốc", Chen Xiangmiao, một nhà phân tích tại Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, nhận định.
Chiếc bẫy tiềm ẩn
Các nhà phân tích tại Mỹ cho biết sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược đàm phán của Trung Quốc là đáng chú ý, nhưng Bắc Kinh cần phải xây dựng lòng tin với các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
"Việc Bắc Kinh thể hiện rằng họ sẵn sàng mở cửa đón các thỏa thuận tạm thời là đầy hứa hẹn", tiến sĩ Lynn Kuok, một chuyên gia tại Viện Brookings, là một trong số vài học giả đã lập luận rằng Trung Quốc nên chấp nhận các thỏa thuận như vậy.
Kuok cho biết rất khó xác định khu vực để khai thác chung, nhưng một trong những nơi rõ ràng nhất sẽ là vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough, nơi mà Tòa Trọng tài cho là ngư trường truyền thống của cả Philippines và Trung Quốc.
"Tuy nhiên, niềm tin đặt vào Trung Quốc là rất thấp và Bắc Kinh sẽ phải chứng tỏ thật nhanh sự chân thành trong ý định của mình", ông Kuok nói.
Các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc cho biết họ nghĩ rằng lời kêu gọi đàm phán của Bắc Kinh là chiến thuật trì hoãn, khi Bắc Kinh tiếp tục xây dựng đường băng và cơ sở hạ tầng khác trên những đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông, mở rộng kiểm soát của họ với vùng biển rộng lớn.
"Tôi tự hỏi liệu có tiềm ẩn một cái bẫy giăng ra cho Philippines trong lời đề nghị hấp dẫn này hay không", Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói.
Bà Glaser cho rằng nếu Philippines chấp nhận thỏa thuận tạm thời, họ có thể đã ngầm thừa nhận rằng Trung Quốc có quyền khai thác đối với tài nguyên trên Biển Đông, dù phán quyết của Tòa Trọng tài hoàn toàn bác bỏ điều đó. "Về bản chất, thỏa thuận tạm thời này là lời yêu cầu Manila bỏ qua phán quyết", bà nói.
Trung Quốc nhấn mạnh rằng phán quyết của tòa không thể được coi là cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào về tranh chấp Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tuần trước cho biết Manila đã từ chối đề nghị đàm phán của Bắc Kinh với điều kiện đó, nói rằng nó không phù hợp với hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines.
Hôm 21/7, báo Trung Quốc chính thức China Daily đưa tin về phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước lời từ chối của Ngoại trưởng Philippines Yasay. Họ thúc giục Philippines vạch ra một hướng đi mới. "Vẫn còn thời gian nếu biện pháp khắc phục được thực hiện".
Xem thêm: 'Ngoại giao tờ séc' của Trung Quốc ở Biển Đông
Cơ quan lôi kéo dư luận của Trung Quốc trên đất Mỹ
Phương Vũ
Trung Quốc, Biển Đông, thỏa thuận tạm thời, phán quyết, đường lưỡi bò, Philippines, đàm phán