Thế giới

Ghế phóng dù trên tiêm kích Su-30 hoạt động như thế nào

97% phi công sử dụng ghế phóng K-36 để thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp đều có thể bay trở lại bình thường.

ghe-phong-du-tren-tiem-kich-su-30-hoat-dong-nhu-the-nao

Một chiếc tiêm kích Su-30 của không quân Nga. Ảnh: Sputnik

Su-30 là một loại tiêm kích đa năng hiện đại, có khả năng hoạt động tầm xa và thực hiện nhiều động tác bay rất linh hoạt. Tuy nhiên, chiếc chiến đấu cơ thế hệ 4 này đã không ít lần gặp sự cố trong các chuyến bay, và lúc đó, phi công chỉ còn có thể trông cậy vào một "bảo bối" duy nhất để tự cứu mạng mình, đó là ghế phóng K-36.

Hệ thống ghế phóng K-36 bắt đầu được tập đoàn NPP Zvezda của Nga nghiên cứu sản xuất từ đầu thập niên 1980 để lắp đặt trên nhiều loại chiến đấu cơ của nước này, từ Su-25, Su-27, Su-30, Mig-29 cho tới tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi T-50, theo DefenseNews.

Cho đến nay, Zvezda đã sản xuất tổng cộng hơn 12.000 ghế phóng K-36, và khoảng 97% phi công từng phải sử dụng đến hệ thống này trong tình huống khẩn cấp đều có thể tiếp tục sự nghiệp bay, tỷ lệ thuộc vào diện cao nhất trong lĩnh vực hàng không thế giới.

Zvezda đã liên tục cải tiến hệ thống ghế phóng của mình để đáp ứng nhu cầu thoát hiểm của phi công trên những chiếc chiến đấu cơ bay ngày càng nhanh hơn, cao hơn, và phiên bản ghế phóng K-36DM trang bị trên tiêm kích Su-30 được coi là một trong những hệ thống thoát hiểm tốt nhất thế giới hiện nay dành cho phi công quân sự.

Hệ thống ghế phóng K-36DM là biện pháp thoát hiểm khẩn cấp cho các phi công ở nhiều dải vận tốc và độ cao khác nhau trong hành trình bay, và được sử dụng cùng với các thiết bị bảo hộ khác như trang phục kháng áp để cứu mạng phi công.

ghe-phong-du-tren-tiem-kich-su-30-hoat-dong-nhu-the-nao-1

Một hệ thống ghế phóng K-36 của Nga. Ảnh: Aviationist

Ghế phóng K-35DM gồm một tên lửa phóng, hộp số, hệ thống tựa đầu cứu sinh, cùng nhiều thiết bị cần thiết khác để đảm bảo phi công có thể vọt ra an toàn khỏi buồng lái trong thời gian ngắn nhất khi máy bay gặp sự cố.

Với thiết kế nhỏ gọn, ghế phóng K-36DM có thể gắn vừa vào hầu hết chiến đấu cơ trên thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cho bất cứ phi công nào, từ các nữ phi công có trọng lượng chỉ 44 kg đến các nam phi công nặng tới 111 kg. Trọng lượng của phi công sẽ được máy tính tính toán và có những điều chỉnh cần thiết đối với thiết bị khai hỏa và động cơ tên lửa phản lực để có thể đẩy phi công ra khỏi buồng lái một cách an toàn.

Ghế phóng K-36DM cũng giúp phi công có thể cử động thoải mái hơn so với những phiên bản trước đây, đồng thời tầm nhìn phía trên và phía sau của phi công cũng được cải thiện đáng kể nhờ kích cỡ thiết bị tựa đầu được giảm bớt.

Chiếc ghế này có thể đảm bảo cho phi công thoát ra ngoài an toàn khi máy bay đạt vận tốc từ 0 đến 1.400 km/h, độ cao từ 0 đến 24.000 mét. Ở những độ cao lớn, nơi không khí rất loãng, thiết bị bảo hộ và cung cấp ô-xy KKO-15 gắn kèm với ghế sẽ cung cấp đủ dưỡng khí cho phi công. Cùng với hệ thống dù, bộ thiết bị sinh tồn, hệ thống ô-xy khẩn cấp và pháo sáng, toàn bộ chiếc ghế phóng này có trọng lượng khoảng 103 kg.

Trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như máy bay mất kiểm soát, phi công sẽ kích hoạt hệ thống phóng khẩn cấp. Lập tức nắp buồng lái sẽ được các liều thuốc phóng đẩy văng ra ngoài, liều phóng phản lực được kích hoạt, đẩy toàn bộ ghế phi công thoát ra chiếc máy bay đang rơi.

ghe-phong-du-tren-tiem-kich-su-30-hoat-dong-nhu-the-nao-2

Khoảnh khắc ghế phóng của phi công vọt ra khỏi buồng lái khi máy bay gặp sự cố. Ảnh: Aviationist

Ghế phóng K-36DM được tích hợp hệ thống kiểm soát điện tử đa chương trình, được kết nối với hệ thóng trao đổi dữ liệu của máy bay. Hệ thống này tính toán các yếu tố như tốc độ, độ cao, độ nghiêng và vận tốc rơi của máy bay để tối ưu hóa quỹ đạo phóng của ghế, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây chấn thương cho phi công.

Để giảm bớt độ cao cần thiết để phóng ghế thành công, NPP Zvezda cũng đã tối ưu hóa thời gian phóng bằng cách tăng tốc độ triển khai của dù, và động cơ tên lửa tách ra ngay lập tức sau khi ghế phóng thành công khỏi máy bay ở góc nghiêng lớn.

Video: Phi công phóng ghế thoát khỏi chiếc Su-30 đang rơi

Hiệu quả của hệ thống ghế phóng K-36 đã được chứng minh qua nhiều sự kiện, tiêu biểu là sự cố xảy ra tại Triển lãm Hàng không Paris năm 1989, khi phi công Anatoly Kvochur đã phóng ghế thoát hiểm thành công khỏi chiếc tiêm kích Mig-29 khi máy bay này chỉ còn vài mét nữa là đâm xuống đất. Năm 1993, hai phi công cũng đã thoát chết khi sử dụng hệ thống ghế phóng này sau khi hai chiếc Mig-29 đâm vào nhau trên bầu trời Fairford, Anh.

Xem thêm: Những lần Su-30 gặp nạn trên thế giới

Trí Dũng

VNExpress

Ghế phóng dù trên tiêm kích Su-30 hoạt động như thế nào - VnExpress


© 2021 FAP
  3,766,118       1/1,151