Thế giới

Chờ 3 tiếng mới đột kích diệt kẻ xả súng, cảnh sát Mỹ gây tranh cãi

Việc lực lượng cảnh sát phải mất ba giờ mới quyết định xông vào hộp đêm đồng tính ở Orlando để giải cứu con tin hôm 12/6 đang gây tranh cãi.

cho-3-tieng-moi-dot-kich-diet-ke-xa-sung-canh-sat-my-gay-tranh-cai

Một thành viên đội SWAT hôm 12/6 có mặt tại hiện trường vụ xả súng. Ảnh: AP

Một số chuyên gia về chiến thuật cho rằng từ các bài học rút ra ở những lần xả súng hàng loạt trước đây, các sĩ quan cảnh sát cần tìm mọi cách để thâm nhập vào nơi nghi phạm cố thủ thật nhanh chóng, dù rủi ro có thể cao hơn, nhằm ngăn chặn mối đe dọa và cứu thêm nhiều mạng sống. Tuy nhiên, không ít người lại nói nếu không tính toán kỹ lưỡng đường đi nước bước, hậu quả sẽ khôn lường, theo CBS News.

"Chúng ta đang sống ở một thế giới khác. Có hành động chắc chắn phải hơn không hành động gì", Chris Grollnek, chuyên gia về chiến lược kiềm chế đối tượng mang súng, đặc nhiệm đã nghỉ hưu thuộc đội Chiến thuật và Vũ khí Đặc biệt (SWAT), bình luận.

"Đây là một thất bại thảm hại trong chiến thuật của SWAT", Grollnek nói. Ông chỉ trích chỉ huy đội SWAT vì chờ đợi quá lâu, không lập tức xông vào trấn áp kẻ tấn công.

Hiện chưa rõ nhà chức trách đã nắm những thông tin gì trong quãng thời gian thương thuyết với kẻ xả súng hay các chiến lược được đưa ra như thế nào. Cảnh sát trưởng thành phố Orlando John Mina, nơi có hộp đêm đồng tính bị tấn công, cho biết ông chỉ ra quyết định điều động đội SWAT sau khi nghi phạm Omar Mateen nói chuyện xong với các chuyên gia thương thuyết. Ông Mina miêu tả thái độ của Mateen là rất "thờ ơ và bình tĩnh".

"Chúng tôi tin rằng sắp có thêm nạn nhân bị giết" dựa vào những gì Mateen nói với mọi người xung quanh cũng như với chuyên gia thương thuyết, ông Mina cho hay. Ban đầu, đội SWAT cố gắng dùng thuốc nổ để phá tường hộp đêm nhưng không thành công hoàn toàn. Vì thế, họ cử một xe thiết giáp đến để làm công việc này, giải cứu hàng chục con tin. Cuộc đọ súng với nghi phạm cũng nổ ra.

Lời giải đáp cho khúc mắc liệu cơ quan chức năng có hành động chính xác hay không khi trì hoãn việc đột kích hộp đêm phụ thuộc vào hai câu hỏi: Liệu đây là tình huống kẻ xả súng giết người hàng loạt hay khủng hoảng con tin? Và vào thời điểm nào thì hai kịch bản trên thay đổi.

Trong tình huống kẻ xả súng giết người hàng loạt, cảnh sát ngày nay được huấn luyện phải phản ứng tức thì, thậm chí ngay cả khi chỉ một hoặc hai sĩ quan đối mặt với nghi phạm. Ở kịch bản khủng hoảng con tin, những người thực thi pháp luật thường cố gắng để đàm phán với kẻ bắt cóc.

Giới chức Mỹ đang điều tra vụ tấn công theo hướng đây là hành vi khủng bố. Theo lời kể của nhân chứng, cảnh tượng tại hộp đêm Pulse trở nên hỗn loạn khi những tiếng súng đầu tiên vang lên. Hơn 300 người lúc ấy có mặt bên trong câu lạc bộ.

Chiến thuật của cảnh sát đã thay đổi nhiều kể từ vụ thảm sát năm 1999 tại trường trung học Columbine. Khi ấy, những sĩ quan cảnh sát ban đầu đấu súng với kẻ tấn công nhưng sau đó họ dừng lại và phải mất 45 phút để chờ đội SWAT đến hỗ trợ. Lúc này, hai thủ phạm Eric Harris và Dylan Klebold đã kịp giết chết 12 học sinh và một giáo viên.

Thời điểm đó, cách phản ứng chuẩn của cảnh sát là thiết lập một vành đai, chờ đội SWAT rồi mới đột kích vào bên trong. Nhà chức trách nhận ra rằng quãng thời gian trì hoãn đủ để các nghi phạm giết thêm nhiều người nữa.

"Chúng ta không thể để hắn rảnh tay và tiếp tục xả súng", Ben Tisa, một cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nhận định.

"Nếu kẻ tấn công xả súng giết người, anh phải xông vào và ngăn chặn bằng bất cứ giá nào. Anh phải bắn chết kẻ xả súng", Grollnek nhấn mạnh.

cho-3-tieng-moi-dot-kich-diet-ke-xa-sung-canh-sat-my-gay-tranh-cai-1

Nhân viên FBI khám nghiệm hiện trường tại hộp đêm đồng tính Pulse. Ảnh: AP

Tuy nhiên, thị trưởng Orlando Buddy Dyer giải thích rằng sở dĩ lực lượng cảnh sát phải dành nhiều thời gian tính toán là bởi ban đầu họ suy đoán Mateen đã gắn chất nổ vào xác những nạn nhân bên trong hộp đêm nhằm biến toàn bộ nơi đây thành một cái bẫy chết người.

Theo cảnh sát trưởng Mina, Mateen từng ám chỉ hắn mang theo đai bom. Tình huống đã trở thành một cuộc khủng hoảng con tin nên họ phải ra quyết định trì hoãn hành động và đàm phán để tránh gây nguy hiểm cho những người bị bắt giữ.

Song, Grollnek vẫn nhất quyết phản đối chiến thuật "chờ đợi, xem xét tình hình" bởi theo ông việc làm này sẽ chỉ làm số người thiệt mạng gia tăng.

Scott Reitz, một chuyên gia về chiến thuật, người từng phục vụ 30 năm trong Sở Cảnh sát Los Angeles, lại có cách nghĩ khác Grollnek.

"Nếu chúng ta xông lên và xảy ra đấu súng, ta sẽ tiếp tục đột kích. Nhưng nếu ta xông lên mà không có súng nổ, chúng ta buộc phải thiết lập liên lạc với kẻ tấn công", ông nói. "Nếu bạn chỉ đơn giản lao vào, điều đó sẽ kích động kẻ tấn công, khiến hắn xả súng giết các con tin. Bạn có tưởng tượng nổi hậu quả sẽ thế nào không?".

Theo Reitz, cách phản ứng của các sĩ quan cảnh sát là chính xác. "Đó thật sự là một tình thế chiến thuật khó... Với tôi, họ đã hành động hợp lý", ông nhận xét.

cho-3-tieng-moi-dot-kich-diet-ke-xa-sung-canh-sat-my-gay-tranh-cai-2

Hộp đêm đồng tính Pulse nhìn từ trên cao. Ảnh: AP

Xem thêm: Khoảnh khắc cảnh sát đụng độ với kẻ thảm sát Mỹ

Vũ Hoàng

VNExpress

Chờ 3 tiếng mới đột kích diệt kẻ xả súng, cảnh sát Mỹ gây tranh cãi - VnExpress


© 2021 FAP
  3,766,787       2/1,154