Được thiết kế để tăng cường khả năng tấn công biển, Su-30MK2 được đánh giá là một trong những chiến đấu cơ đa năng tốt nhất thế giới hiện nay.
Su 30MK2 trong một lần bay huấn luyện. Ảnh: Tùng Nam. |
Su-30MK2, phiên bản nâng cấp của Su-30, là mẫu tiêm kích đa năng hạng nặng tầm xa được tập đoàn KnAAPO, JSC của Nga phát triển dựa trên mẫu chiến đấu cơ Su-27SK nổi tiếng vào năm 1999, theo Aviationsmilitaires.
Trong những năm gần đây, Nga đã cung cấp cho Việt Nam một loạt tiêm kích Su-30MK2 mới để phục vụ mục đích tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Là một biến thể của tiêm kích Su-27, nhưng với tầm bay chiến đấu được mở rộng cũng như khả năng sử dụng các hệ thống vũ khí tiến công có điều khiển chính xác tầm xa, Su-30MK2 được xếp vào nhóm vũ khí tiến công xung kích đường không chống các mục tiêu chiến thuật - chiến dịch nằm phía sau chiến tuyến của đối phương.
Về thiết kế, Su-30MK2 vẫn giữ lại hầu hết những đặc điểm thiết kế khí động học của Su-30, tuy nhiên trọng lượng vũ khí mang theo được nâng lên 12 tấn. Ngoài ra, vật liệu hợp kim nhôm mới cũng được thay thế cho loại hợp kim cũ sử dụng trong Su-30 để giảm trọng lượng cất cánh. Hai đuôi lái chính được làm bằng nhiều vật liệu composite sợi carbon hơn so với Su-30.
Su-30MK2 được trang bị động cơ vô cùng mạnh mẽ, với công nghệ phụt nhiên liệu vector để tăng khả năng cơ động. Động cơ này giúp Su-30MK2 có thể đạt vận tốc lên tới Mach 2 (khoảng 2000 km/h). Phạm vi hoạt động của máy bay vào khoảng 3.000 km khi không tiếp nhiên liệu, và tăng lên 8.000 km trong trường hợp được tiếp nhiên liệu trên không.
Được thiết kế với mục đích tăng cường khả năng tấn công trên biển, Su-30MK2 có nhiều cải tiến đáng kể về hệ thống tác chiến điện tử. Máy bay được trang bị hệ thống chỉ huy C4ISTAR (hệ thống chỉ huy, điều khiển, truyền tin, máy tính, tình báo, giám sát, bắt mục tiêu và trinh sát) hiện đại.
Su-30MK2 còn được lắp đặt các thiết bị quang học mới như hệ thống bắt ngắm mục tiêu có vỏ bọc Sapsan-E, được phát triển bởi nhà máy cơ khí quang học Ural, có trọng lượng 250 kg, dài 3 mét, đường kính 0,39 mét. Hệ thống này bao gồm các camera và thiết bị chỉ thị laser có tầm quét từ +10 độ đến -15 độ, nhằm bổ sung cho hệ thống quang điện tử OEPS-30MK-E đặt ở phần mũi máy bay.
Ngoài ra, thiết bị trinh sát có vỏ bọc M400, được phát triển bởi phòng thiết kế Canopy, bao gồm cả radar quét ngang, có tầm quét tối đa trên 100 km với độ phân giải 2 m. Thiết bị được sử dụng để khóa các mục tiêu trên biển và phát hiện các điểm mù (blind spot) phía sau máy bay, đồng thời cung cấp thông tin mục tiêu cho các tên lửa không đối không bắn ra phía sau.
Bên cạnh đó, hệ thống radar quét mảng pha chủ động hiện đại của Su-30MK2 có khả năng bám bắt hàng chục mục tiêu cả trên không lẫn trên biển, khóa 4 mục tiêu khác nhau với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Tên lửa Kh-59M. Ảnh: Missiles.ru |
Vũ khí chủ lực của Su-30MK2 là các tên lửa lửa không đối không R-77 (định danh của NATO là RVV-AE ), tên lửa không đối đất Kh-59M cùng cặp đôi tên lửa không đối hạm là Kh-31 và Kh-59MK cải tiến.
Tên lửa R-77 được dẫn đường bằng radar chủ động cực kỳ hiện đại do công ty Vympel phát triển, trang bị cho không quân Nga từ năm 1994. Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu từ mọi góc độ trong các điều kiện thời tiết bất lợi như môi trường bức xạ nhiệt và nhiễu điện từ cao, theo nguyên tắc "bắn và quên", sử dụng dẫn đạn đa kênh. R-77 có thể hạ gục các mục tiêu phương tiện bay có tốc độ đến 3.600 km/h trên độ cao từ 20 m đến 25 km.
Tên lửa không đối đất Kh-59M có thể được phóng từ độ cao thấp (100 m), và bay ở độ cao xác định (từ 50 đến 1000 m), được dẫn hướng bằng hệ thống điều khiển tự động và cao kế vô tuyến (radar đo độ cao). Kh-59M có vận tốc từ 600-1000 km/h, độ lệch mục tiêu từ 2 đến 3 m.
Tên lửa không đối hạm Kh-59MK được trang bị đầu dò radar chủ động ARGS-59, có tầm bắn đạt 115 đến 285 km, nhờ được trang bị máy gia tốc nhiên liệu. Tuy chỉ đạt tốc độ cận âm, nhưng uy lực công phá của tên lửaKh-59MK rất mạnh mẽ với đầu đạn nặng 320 kg.
Theo các chuyên gia của Nga, xác suất bắn trúng một tàu tuần dương, tàu khu trục của Kh-59MK đạt 90-96%, đối với các tàu, thuyền nhỏ đạt 70- 93%.
Sáng 14/6, một tiêm kích Su-30MK2 thuộc Trung đoàn không quân 923 đã mất tích trên vùng biển phía đông Nghệ An khi thực hiện bay huấn luyện biển. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương triển khai lực lượng tìm kiếm chiếc máy bay này.
Xem thêm: Uy lực cặp tàu tên lửa tấn công mới của Việt Nam.
Nguyễn Hoàng
Su-30MK2 - tiêm kích tuần tra biển tầm xa - VnExpress