Hàng triệu người trên toàn thế giới đang xem xét những bức ảnh vệ tinh của Vịnh Thái Lan để cố gắng tìm máy bay Malaysia đang mất tích.
Ông Vu xem các bức ảnh vệ tinh do DigitalGlobe cung cấp. Ảnh: Star |
Bao trùm vùng biển rộng hơn 24.000 km2, những bức ảnh do công ty hình ảnh vệ tinh DigitalGlobe, Mỹ, cung cấp đến nay thu hút khoảng hai triệu người tham gia tìm kiếm các vật thể trên trang Tomnod.com.
Những vật thể mà người dùng trang Tomnod đánh dấu để xem xét kỹ hơn được xếp thành bốn loại: vết dầu, mảnh vỡ, bè và những thứ hỗn tạp.
"Hơn hai triệu người đã đánh dấu khoảng 645.000 điểm, và đây trở thành chiến dịch lớn nhất của Tomnod trong lịch sử", trang web của DigitalGlobe cho hay.
Trên mạng xã hội Facebook, DigitalGlobe cho biết hơn 216.000 người vừa lập tài khoản trực tuyến để phân tích các bức ảnh của Tomnod, tuy nhiên người dùng không nhất thiết phải làm điều này khi tham gia tìm kiếm.
Tìm kiếm các vật thể trên Vịnh Thái Lan và Biển Đông không phải là một điều dễ dàng, ông Lim Kok Tong, 35 tuổi, người dùng trang Tomnod, cho biết. "Tôi dành tổng cộng gần 7 giờ để tìm một thứ gì đó. Đó là một công việc buồn tẻ và tôi vẫn chưa đánh dấu được bất cứ thứ gì", ông Lim cho biết.
Lim nói thêm rằng một số bức ảnh có mây che phủ, khiến ông gặp khó khi tìm máy bay. CNN cho hay những tình nguyện viên của Tomnod hồi tháng 11/2013 đánh dấu hơn 60.000 vật thể đáng chú ý dựa trên hình ảnh chụp hậu quả của bão Haiyan ở Philippines. Thông tin sau đó được chuyển tới những cơ quan ứng cứu khẩn cấp.
Nghi vấn về đường đi của chuyến bay MH370. Chấm đỏ bên phải là thời điểm máy bay biến mất khỏi hệ thống radar dân sự, ở độ cao hơn 10.000 m. Chấm đỏ bên trái là địa điểm radar quân sự được cho là phát hiện thấy dấu vết của MH370 ở độ cao 9.000 m. Khung xanh là khu vực tìm kiếm. Đồ họa: Skyvector |
Cuộc tìm kiếm MH370 bằng ảnh vệ tinh bắt đầu từ ngày 10/3. Phó Giáo sư Tuong-Thuy Vu, chuyên gia nghiên cứu không gian địa lý tại Đại học Nottingham, Malaysia cũng là một trong số nhiều người đang xem xét ảnh vệ tinh. "Việc hàng nghìn người cùng phối hợp tìm một thứ gì đó thực sự là một điều rất hữu ích", ông nói.
Ông cho biết công việc này không cần nhiều chuyên môn, và càng nhiều người tham gia, khả năng tìm được thứ cần tìm càng cao. Những bức ảnh vệ tinh ông xem xét được chụp vào đầu giờ sáng 9/3. Theo ông, đây sẽ là nỗ lực tìm kiếm cứu hộ của quần chúng lớn nhất từ trước đến nay.
Trước đó, ông cũng từng tham gia các hoạt động giúp khắc phục thảm họa của siêu bão Haiyan ở Philippines hồi tháng 11 năm ngoái.
MH370 xuất hiện lần cuối trên radar dân sự của Malaysia vào lúc 1h30 sáng 8/3, sau gần một giờ bay, rồi sau đó biến mất. Sau gần một tuần, số phận chiếc phi cơ Boeing 777-200 chở 239 người của hãng Malaysia Airlines vẫn còn là một bí ẩn.
Trọng Giáp (theo Star)
Hai triệu người soi ảnh vệ tinh tìm MH370 - VnExpress