Bắc Kinh cởi mở bất ngờ về vấn đề năng lực vệ tinh khi công bố những bức ảnh chụp vật thể trên Biển Đông, một số chuyên gia quốc phòng bình luận.
Một trong ba vật thể khả nghi được vệ tinh của Trung Quốc chụp lại. Ảnh: Sastind.gov.cn. |
Cơ quan Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) hôm qua đăng tải ba tấm ảnh họ cho là những vật thể trôi nổi lớn khả nghi trên Biển Đông.
Ông Morris Jones, một nhà phân tích vũ trụ độc lập, sống tại Australia, nhạn xét rằng Bắc Kinh công bố ảnh là cởi mở đến bất ngờ, bởi chương trình vũ trụ của Trung Quốc do quân đội quản lý và thường nằm trong vòng bí mật.
"Ảnh vệ tinh là một công cụ chiến lược có những ứng dụng quân sự, và các nước thường rất cẩn trọng khi hé lộ khả năng của những vệ tinh này, cẩn trọng trong việc công bố các vệ tinh có thể thấy được đến đâu", AFP dẫn lời ông nói. "Tôi bất ngờ vì Trung Quốc vừa công bố bức ảnh này vì chúng ta thường không được xem những tấm ảnh với chất lượng như thế".
Theo Cơ quan quản lý Khoa học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc, các vật thể có kích cỡ khoảng 13 x18 m, 14 x19 m và 24 x 22 m.
Những bức ảnh thực "có thể có chất lượng cao hơn nhiều so với những tấm họ công bố với truyền thông", ông Jones nói. Giới chức công bố chúng "nhằm cung cấp đủ thông tin để cho thấy điều gì đó, nhưng bức ảnh bị giảm chất lượng lại để giấu thực lực của vệ tinh thật".
Dù năng lực vũ trụ của Trung Quốc vẫn theo sau Mỹ hàng thập kỷ, nước này có những bước nhảy vọt về công nghệ và đang có mục tiêu mở trạm vũ trụ độc lập vào năm 2020, và thậm chí đưa người lên mặt trăng.
Trung Quốc đã triển khai 10 vệ tinh nhằm tìm kiếm MH370, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết. Dữ liệu ảnh do Trung tâm Nguồn Dữ liệu và Ứng dụng Vệ tinh (CRESDA) thu thập. Trung tâm này nằm dưới sự đồng giám sát của Cơ quan Khoa học Quốc phòng và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC).
Trung tâm có nhiệm vụ là thiết lập trung tâm dữ liệu vệ tinh cấp quốc gia, giúp cung cấp những bức ảnh có độ phân giải cao phục vụ quốc phòng, cũng như các mục đích dân sự như nông nghiệp và phòng tránh thiên tai.
Trung tâm bắt đầu khảo sát khu vực sau khi nghe về vụ mất tích của MH370 hôm 8/3, trung tâm thông báo. Đến sáng 11/3, vệ tinh thu thập được dữ liệu bao quát diện tích 120 km2. "Chất lượng dữ liệu hình ảnh khá tốt", cơ quan này cho biết.
Một quan chức của CRESDA cho hay họ vẫn đang phân tích những hình ảnh nhưng chưa có kết luận nào.
Các bức ảnh được chụp hôm 9/3, làm dấy lên dấu hỏi về việc vì sao phải mất nhiều ngày chúng mới được công bố, và liệu chúng có được gửi tới giới chức Malaysia đang điều phối cuộc tìm kiếm hay không. Nếu có, thì câu hỏi là chúng được gửi khi nào.
Ông Jones cho hay ông không thấy "bất cứ điều gì khả nghi" trong việc trì hoãn công bố ảnh. "Có nhiều lúc bạn phải mất thời gian giữa giai đoạn bạn có ảnh và bạn công bố chúng", ông nói. "Vệ tinh phải vào vị trí, chụp ảnh, và gửi nó tới trạm mặt đất, rồi nó cần được phân tích. Và nên nhớ rằng, các chuyên gia phân tích có thể đang xem xét một lượng dữ liệu khổng lồ. Vì vậy tôi nghĩ hoàn toàn chẳng có gì bất thường".
Trong khi đó, theo trang news.com.au, một phóng viên CNN hôm qua cho rằng có thể Trung Quốc đang có cách tiếp cận cẩn trọng vì các vấn đề ngoại giao và quốc phòng. Biển Đông là một khu vực phòng thủ nhạy cảm và Trung Quốc có thể không muốn đổ thêm dầu vào lửa với Malaysia.
Một trong những cột mốc của Bắc Kinh trong công nghệ vệ tinh là vào cuối năm 2012, khi Trung Quốc công bố lập mạng lưới định vị và dẫn đường vệ tinh họ tự thiết lập mang tên Bắc Đẩu, nhằm cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.
Hệ thống Bắc Đẩu hiện có 16 vệ tinh. Con số này có thể sẽ tăng lên 30 đến năm 2020, khi hệ thống dự kiến bao phủ toàn cầu. Trung Quốc đang đầu tư hơn 65 tỷ USD vào hệ thống, với hy vọng đem lại lợi ích "cả quân sự và dân sự", theo truyền thông quốc gia.
Trọng Giáp
Trung Quốc cởi mở bất ngờ khi công bố ảnh vệ tinh - VnExpress