Thế giới

Kiểm soát không lưu - mắt xích trọng yếu của hàng không

Các phi công và nhân viên kiểm soát trên mặt đất phải giao tiếp mạch lạc với nhau để đảm bảo cất cánh, hạ cánh an toàn, vì chỉ với một lỗi nhỏ, mọi chuyện có khả năng diễn biến xấu đi và trở nên nguy hiểm.

air-traffic-1101-art0-grkpdieq-1312-9251

Trạm kiểm soát không lưu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chuyến bay. Ảnh: Associated Press

Máy bay rất hiếm khi bị trục trặc, nhất là những trục trặc nghiêm trọng. "Máy bay không tự nhiên mà rơi từ độ cao hàng nghìn km", phóng viên về lĩnh vực hàng không của CNN, Richard Quest, cho biết. Ngay cả khi xảy ra lỗi, các hãng hàng không và các kiểm soát viên không lưu luôn tiến hành hàng loạt thủ tục nhằm đảm bảo an toàn chuyến bay.

Ví dụ, hãng Hàng không Hong Kong từng có 9 tai nạn do các phi công bỏ qua hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu (ATCs). Có trường hợp, tai nạn xảy ra do một chiếc máy bay chạy giữa đường băng dù chưa được cho phép, đồng thời không tuân theo yêu cầu về độ cao và hướng.

Ady Dolan, một kiểm soát viên không lưu tại sân bay Heathrow ở London, nói với CNN rằng việc phi công và người giám sát dưới mặt đất hiểu lầm ý nhau diễn ra hàng ngày. Nhưng thông thường, những lỗi này không đáng kể và không đe dọa đến an toàn chuyến bay, nhờ hệ thống liên lạc và các công nghệ hiện đại.

Tiếng Anh là chìa khóa

Dolan làm việc với khoảng 85 hãng hàng không và 1.350 chuyến bay mỗi ngày. Theo ông, kiểm soát viên phải có khả năng trao đổi thông tin với mọi phi công, vốn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ quy chuẩn trong ngành và là chìa khóa cho việc đảm bảo thông tin liên lạc.

"Chẳng hạn nếu tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của của một phi công nào đó, chúng tôi sẽ lưu ý nhiều hơn đến anh ta", Dolan nói. "Tôi sẽ không nói chuyện với anh ta nhanh như bình thường, và cũng không được phép nói tắt".

Một cơ trưởng, người thường xuyên thực hiện các chuyến bay đến Trung Quốc và Đông Nam Á, khẳng định các phi công và kiểm soát viên thường có mối quan hệ tốt. "Nhưng ở Trung Quốc có chút vấn đề", ông cho biết. "Vì đối với nhiều người, tiếng Anh chỉ là một ngoại ngữ".

Các hãng hàng không đã thay đổi chính sách tuyển dụng và yêu cầu người lái máy bay phải nói tiếng Anh tốt. 

Giao tiếp rất quan trọng

Air-traffic-control-jpg-2909-1394526791.

Một kiểm soát viên không lưu. Ảnh: CNN

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) là một cơ quan của Liên Hợp Quốc chuyên thiết lập và điều chỉnh các tiêu chuẩn an toàn hàng không. Tổ chức này khẳng định, việc tiêu chuẩn hóa từ ngữ hết sức quan trọng trong việc kết nối.

Ví dụ, trước khi xảy ra vụ tai nạn máy bay KLM-Pan Am năm 1977, viên phi công liên tục thông báo với trung tâm rằng "Chúng tôi sắp cất cánh", vừa điều khiển chiếc phi cơ chạy dọc đường băng. Các nhân viên trạm kiểm soát hiểu như vậy có nghĩa máy bay đã sẵn sàng để cất cánh và nó vẫn đứng yên chờ hiệu lệnh. Bởi vậy, họ không cảnh báo cơ trưởng chiếc KLM-Pan Am về một máy bay khác đang trên đường băng bị sương mù dày đặc che khuất.

"Việc liên lạc qua radio là một phần quan trọng trong quá trình huấn luyện phi công và kiểm soát viên", một phát ngôn viên của ICAO nhận định. "Chúng tôi yêu cầu cả hai phía phải sử dụng ngôn ngữ quy chuẩn khi giao tiếp".

Theo phát ngôn viên này, ICAO liên tục rà soát, cập nhật mọi tiêu chuẩn nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu mới.

"Có nhiều cách để tránh sự hiểu lầm", nữ phi công Sarah Jones thuộc hãng Hàng không Nam Phi nói. Cô cũng cho biết, ở một vài sân bay tại châu Phi, các kiểm soát viên có trình độ không cao. Việc kiểm soát viên hoặc phi công không biết nói tiếng Anh là một thử thách lớn.

"Bạn phải lắng nghe kỹ càng và nhận thức được tình huống", Jones chia sẻ. "Nếu không hiểu được các phi công khác đang nói gì với kiểm soát viên, tốt nhất bạn nên thận trọng gấp bội".

Trục trặc là không thể tránh được

Lỗi phát sinh do phi công và kiểm soát viên không hiểu ý nhau tuy phổ biến nhưng không hành khách nào nhận thấy. Khi vận tải hàng không phát triển, việc lẫn lộn thông tin liên lạc cũng gia tăng. Bởi vậy, sự hỗ trợ là hết sức cần thiết.

Ady Dolan làm việc cho một nhà cung cấp dịch vụ hàng không ở Anh và hơn 30 quốc gia khác. Công ty đưa ra chiến lược để giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn.

"Dù là ở sân bay nào, cứ có bàn tay con người thì sẽ có sự cố", Dolan nhận định. "Nhiệm vụ của chúng tôi là phát hiện những trục trặc có thể xảy ra và khắc phục sự cố nếu có". Theo ông, những lỗi kiểu như máy bay đậu theo hướng nam thay vì hướng bắc là rất điển hình.

"Tất nhiên sẽ có sai lầm, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng giải quyết", một phi công cho biết thêm. "Bởi đôi khi dù chhir xay ra một lỗi nhỏ, mọi chuyện vẫn có khả năng diễn biến xấu đi và trở nên nguy hiểm".

Theo lời những người lái máy bay kỳ cựu, họ và các kiểm soát viên có lộ trình làm việc kỹ lưỡng. Các trục trặc thường được giải quyết rất nhanh sau khi xuất hiện.

Máy tính và con người

Các quy trình diễn ra hàng ngày ở mỗi sân bay càng ngày càng phức tạp, như giải quyết vấn đề thời tiết, hoãn chuyến, giãn cách thời gian cất cánh và hạ cánh sao cho hợp lý.

Theo phi công Sarah Jones, những người làm nhiệm vụ luôn tôn trọng lẫn nhau để có thể vừa giữ an toàn vừa đảm bảo lưu thông các chuyến bay. "Giao tiếp hiệu quả là yếu tố chủ chốt đối với việc giữ an toàn".

Việc sử dụng khoa học kỹ thuật thay cho con người trong thông tin liên lạc cũng được coi là một giải pháp. Điển hình là sân bay Heathrow, nơi các tín hiệu điện tử cho phép máy bay cất cánh được truyền trực tiếp tới buồng lái trên máy bay. Tuy vậy, chưa ai dám chắc về khả năng máy tính đảm nhận được việc điều khiển giao thông hàng không trong tương lai gần.

"Bạn phải tin tưởng hoàn toàn vào những thông tin được nhận, nếu không cả hệ thống sẽ không thể hoạt động", Ady Dolan kết luận. "Nếu phi công nghi ngờ các hướng dẫn viên, tình huống xấu có thể xảy ra".

Trần Trang (theo CNN)

VNExpress

Kiểm soát không lưu - mắt xích trọng yếu của hàng không - VnExpress


© 2021 FAP
  3,683,474       2/871