Sức khỏe

Lợi ích khi bệnh nhân ung thư bỏ thuốc lá

Không sử dụng thuốc lá giúp bệnh nhân ung thư hồi phục nhanh sau hóa, xạ trị, giảm khả năng tái phát, khối u di căn.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thống kê, thuốc lá gây ra 480.000 ca tử vong mỗi năm ở Mỹ. Trong đó, 36% mắc các loại ung thư phổi, miệng, bàng quang, đại tràng, tuyến tụy... 

Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút thuốc, khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp kém vì hệ thống luân chuyển ở người sử dụng thuốc bị phá hủy. Bên cạnh đó, khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy, nên dễ bị nhiễm các chất độc hại, cản trở sự lưu thông, trao đổi khí.  

Các nhà khoa học Trung tâm Ung thư MD Anderson - Đại học Texas ở Houston (Mỹ) cho biết, bệnh nhân ung thư hút thuốc sẽ làm kết quả điều trị bất lợi, cơ thể chuyển biến xấu với sự xuất hiện của tác dụng phụ, tăng nguy cơ phát triển các biến chứng, góp phần làm chất lượng cuộc sống kém hơn, khả năng sống sót thấp. Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp cơ thể giảm bớt các tác dụng phụ khi hóa, xạ trị. Không sử dụng nicotine cũng góp phần giảm nguy cơ tái phát bệnh, ngăn ngừa khối u di căn. 

Ảnh Minh họa. Nguồn: Medicalnewstoday

Ảnh Minh họa. Nguồn: Medicalnewstoday

Viện Ung thư Quốc gia Mỹ thông tin thêm, nếu bệnh nhân mắc ung thư, bỏ thuốc lá tại thời điểm chẩn đoán có thể làm giảm nguy cơ tử vong từ 30 đến 40%. Đối với những người đã phẫu thuật, hóa trị hoặc các phương pháp điều trị khác, bỏ hút thuốc lá giúp cải thiện khả năng chữa lành cơ thể, đáp ứng với trị liệu.

Hút thuốc rất nguy hại cho sức khỏe, ngoài ung thư phổi, nó còn gây ung thư một số cơ quan khác như miệng, dạ dày, cơ quan tiêu hóa... Người bệnh ung thư dù giai đoạn nào cũng cần bỏ ngay việc hút thuốc, đặc biệt đang trong quá trình điều trị. 

Ở Mỹ có nhiều chương trình cai thuốc lá cho bệnh nhân ung thư, trang Medicalnewstoday đưa tin, Trung tâm Ung thư MD Anderson - Đại học Texas ở Houston đã phân tích 3.245 người ung thư hút thuốc tham gia Chương trình cai thuốc lá từ năm 2006 - 2015. Chương trình thu hút 1.200 người tham gia mỗi năm, họ được cung cấp liệu pháp thay thế nicotine, điểu chỉnh cảm xúc thông qua các buổi tư vấn. 

Giám đốc chương trình, Tiến sĩ Maher Karam-Hage giải thích: "Chúng tôi trò chuyện với họ, đưa ra lời khuyên hướng tới từ bỏ thuốc lá, chương trình tư vấn kéo dài từ 8 đến 12 tuần. Khi một người có chẩn đoán ung thư tự nhận mình là người hút thuốc, phòng khám sẽ  liên hệ, cung cấp chương trình bỏ thuốc miễn phí". Năm 2015, các nhà nghiên cứu công bố, sau 3, 6, 9 tháng khi tham gia chương trình, tỷ lệ cai nghiện lần lượt là 45,1%, 45,8% và 43,7%. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê,sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so vói người bình thường, cứ 5 người hút thuốc thì có một người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khó chữa trị.

Khói thuốc lá làm chết hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó một triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Ước tính mỗi năm đến 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động. 

Tại Việt Nam, gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét.

Ngọc Thi

VNExpress

bệnh nhân ung thư, ung thư không bỏ cuộc, bệnh nhân ung thư bỏ thuốc lá


© 2021 FAP
  2,260,940       1/975