Thế giới quanh ta

“Đừng ăn gì, uống gì tại Bắc Kinh!”

PN - Hai hãng thực phẩm dành cho thú cưng nổi tiếng ở Mỹ là Petco và PetSmart vừa thông báo sẽ ngưng bán thực phẩm dành cho chó và mèo được sản xuất tại Trung Quốc (TQ).

Bắc Kinh mù mịt vì ô nhiễm -Ảnh: Reuters

Nhiều tháng qua, hàng nghìn con thú cưng bị bệnh đã được báo cáo đến cơ quan thú y Mỹ. Tuy những trường hợp này đều chưa được khẳng định nguyên nhân do thực phẩm sản xuất ở TQ, nhưng người ta có lý do để lo lắng.

Trước đây, người ta đã nghe nói nhiều về các loại hàng hóa nhiễm độc ở TQ như sữa, thịt heo, trái cây, vải, đồ gỗ… và giờ là đến thực phẩm dành cho thú cưng.

Không chỉ thế, đang xuất hiện một vấn đề khác còn nghiêm trọng hơn: nhiều thương hiệu mang tính toàn cầu đang dần chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi TQ. Bởi không chỉ giá nhân công ngày càng cao khiến các công ty lớn không còn thấy TQ là địa điểm đầu tư hấp dẫn nữa mà môi trường sống tại đất nước này ngày càng tệ hơn.

Chỉ số ô nhiễm về các mặt khói, bụi, tiếng ồn… ngày càng tăng cao, trong khi ô nhiễm nước ngầm không thể kiểm soát nổi. Trong cuộc họp báo vào giữa tuần qua ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường TQ Li Ganjie thừa nhận, hầu hết các thành phố ở TQ đã thất bại trong nỗ lực đạt chuẩn quốc gia về chất lượng bầu khí quyển. Công bố của ông Li cho thấy, chỉ có 3/74 thành phố lớn của TQ, tức là chỉ 4,1%, lọt vào danh sách đạt tiêu chuẩn quy định về bầu không khí đảm bảo cho môi trường sống.

Người TQ bây giờ đối diện với ô nhiễm qua từng hơi thở - Ảnh: Guardian

Theo một nghiên cứu chính thức của Bộ Nông nghiệp TQ, có đến 20% diện tích đất nông nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng. 60% lượng nước ngầm bị ô nhiễm do thẩm thấu vô số hóa chất hoặc chất thải công nghiệp độc hại.

Tháng 9/2013, chính quyền Bắc Kinh đã công bố kế hoạch 5 năm (2013-2017) để cải thiện chất lượng không khí bằng cách cắt giảm lượng tiêu thụ than, tăng cường sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy có dấu hiệu khả quan.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở TQ đã lên đến mức trầm trọng. Nhiều chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại TQ rất đồng tình với việc công ty của mình chuyển ra khỏi TQ.

Mới đây, hãng Panasonic cùng nhiều hãng khác đã thực hiện chế độ trợ cấp ô nhiễm cho chuyên gia làm việc ở TQ nhưng cũng không thể “níu kéo” lực lượng này. Nhiều người đã xin nghỉ việc trở về quê nhà, hoặc sang làm việc ở một nước có môi trường sống tốt hơn, dù thu nhập bị cắt giảm. Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh phải thường xuyên thông báo tuyển nhân viên để bù đắp cho số nhân viên người Canada xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

Người dân TQ "trưng dụng" đủ kiểu khẩu trang để chống chọi với không khí ô nhiễm hàng ngày - Ảnh: Guardian

Tác hại đến từ vấn đề môi trường còn thể hiện rõ trong lĩnh vực du lịch. Nhiều khách du lịch nước ngoài đặt câu hỏi: “liệu việc ngắm cảnh Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ có đáng để đánh đổi bằng việc phải trị bệnh phổi khi trở về từ TQ?”. Đó cũng là lý do khiến lượng du khách nước ngoài đến Bắc Kinh giảm 10% trong 11 tháng đầu năm 2013, so với cùng kỳ năm 2012.

Sau lần đến Bắc Kinh hồi đầu năm, Edward Wong, phóng viên tờ New York Times, cho biết, người nước ngoài đến TQ phải lo lắng đủ thứ, từ không khí, thực phẩm cho đến nước uống… Nhà báo kỳ cựu này kết luận: “Sống ở Bắc Kinh là tuyệt đối an toàn nếu bạn đừng ăn gì, đừng uống gì tại đó và nhất là đừng bao giờ... hít thở. Bầu không khí tại đây khiến bản thân tôi lúc nào cũng buồn nôn”.

Còn nhận xét nào cay nghiệt hơn về tình trạng ô nhiễm ở TQ của Edward Wong?

THIỆN NGA (Theo Foreign Policy)

www.phunuonline.com.vn

Trung Quốc, Bắc Kinh, ô nhiễm, Edward Wong


© 2021 FAP
  326,837       1/586