PN - Vào đầu tháng này, cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Indonesia (BPOM) đã thu giữ 1.385.440 đơn vị thuốc tân dược, Đông dược,
Đây là một phần trong chiến dịch toàn cầu của Interpol phối hợp với các nước để triệt phá việc lưu hành thuốc giả thông qua các mạng mua bán trực tuyến. Có đến 110 nước đồng ý phối hợp với Intepol trong chiến dịch này.
● 75% dược phẩm sản xuất tại Trung Quốc và bán qua trực tuyến là hàng giả
Giá trị của những thứ thuốc giả thu được trong chiến dịch này không quá lớn, nhưng cho thấy việc sản xuất và tiêu thụ dược phẩm giả đã trở thành một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao đến mức không thể tưởng tượng được. Kết quả một cuộc điều tra phối hợp giữa Mỹ, một số nước châu Âu và chính quyền Hồng Kông hồi cuối năm rồi đã phát hiện hơn 700 cửa hàng trực tuyến chuyên bán thuốc giả trên toàn thế giới. Theo một chuyên gia cao cấp của Interpol, kinh doanh thuốc giả đã trở thành tội ác mang tính toàn cầu với siêu lợi nhuận. Theo ông, việc sản xuất thuốc giả đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ đến 250 tỷ USD mỗi năm, đồng thời khiến 750.000 người mất việc. Đó là chưa kể không ai thống kê được bao nhiêu người đã chết trên thế giới vì dùng thuốc giả, hoặc phải tốn tiền để chữa trị những di chứng sau khi sử dụng thuốc giả.
Ngay cả bác sĩ cũng không thể phân biệt được đâu là thuốc giả, đâu là thuốc thật như trường hợp của một nữ bác sĩ, không muốn nêu tên. Bà kể lại chuyện năm 2009, bà mua một loại thuốc giảm cân mang tên Alli rất thịnh hành ở Mỹ với hy vọng cải thiện vóc dáng. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, cơn đột quỵ đã đưa bà vào thẳng bệnh viện.
Thuốc trị sốt rét là mặt hàng được các tay sản xuất dược phẩm giả ở TQ ưa chuộng nhất - Ảnh: Guardian
Trung Quốc (TQ) được xem là cái nôi sản xuất thuốc giả và phân phối những thứ chết người này khắp thế giới. Tất nhiên, các nước đang phát triển và đông dân là thị trường chủ yếu của các ông trùm sản xuất thuốc giả, nhưng các nước phát triển với công nghệ sản xuất dược phẩm hiện đại cũng không tránh khỏi thiệt hại.
Hồi đầu tháng Năm, cơ quan kiểm soát dược phẩm và thực phẩm TQ đã thừa nhận 75% dược phẩm sản xuất tại nước này và bán trực tuyến là hàng giả. Đặc biệt, những loại thuốc được cho có tác dụng chữa bệnh ung thư nhiều khả năng là thuốc giả. Cảnh báo này thật ra không mới, vì từ năm 2012, một phóng sự điều tra của tờ Guardian cho thấy, TQ đã sản xuất số lượng lớn thuốc giả rồi xuất khẩu sang các nước châu Phi, phần lớn là thuốc đặc trị dùng chữa các bệnh thường gặp ở vùng nhiệt đới. Lúc đó, chính quyền TQ cực lực bác bỏ thông tin này, nhưng sau đó lại gián tiếp thừa nhận, khi huy động 18.000 cảnh sát để bố ráp các ổ sản xuất thuốc giả trên toàn quốc. Chỉ riêng ở Thượng Hải, đã có gần 2.000 người tham gia sản xuất thuốc giả bị bắt.
Cùng lúc, các mạng kinh doanh trực tuyến nổi tiếng ở TQ như Alibaba, Baidu và 18 công ty internet khác đồng loạt lên tiếng đảm bảo sẽ phối hợp với chính phủ trong việc tiệt trừ nạn buôn bán thuốc giả trên các mạng trực tuyến.
Theo WHO, có hơn 50% số dược phẩm bán trên các mạng trực tuyến là hàng giả, đặc biệt là khi xuất sang các nước châu Phi, châu Á và Trung Mỹ, những nơi mà quy định về dược phẩm còn rất lỏng lẻo.
THIỆN NGA (Theo USA Today, Jakarta Post, Guardian)
Trung Quốc, dược phẩm giả, bán trực tuyến, WHO