PN - Ngày 3/11/2002, tuần báo News of the World giật tít ngay trang nhất: "Bắt cóc Posh, chúng tôi đã ngăn chặn thành công một vụ đòi năm triệu bảng tiền chuộc"
Posh, Brooklyn, Beckham thuở bị dọa bắt cóc - Ảnh: AP
Sự thật đằng sau scandal này là gì? Vụ bắt cóc tưởng tượng này đã đưa tên tuổi của phóng viên Mazher Mahmood lên tầm cao mới trong làng báo khổ nhỏ, chuyên đăng tin giật gân câu khách, cả tin thật lẫn tin giả. Nhưng sau đó, nó cũng chôn vùi uy tín của ông ta.
Posh Spice (tên gọi thân mật của Victoria Beckham) lúc đó là thành viên nhóm nhạc nữ đình đám Spice Girls. Posh càng nổi tiếng hơn vì là vợ của danh thủ bóng đá David Beckham, lúc ấy đang khoác áo Manchester United.
Tờ báo đã dành nhiều trang đăng bài điều tra đặc biệt của biên tập viên Mazher Mahmood, nổi tiếng trong làng báo xứ sương mù với biệt danh Fake Sheikh (tộc trưởng Ả rập giả mạo), một cây bút điều tra xã hội sắc bén nhưng phương pháp nghiệp vụ từng gây nhiều tranh cãi.
Vợ con Beckham nhiều lần bị đe doạ bắt cóc - Ảnh: AP
“Tộc trưởng” Mahmood tài ba
Bài báo độc quyền ký tên Mahmood tường thuật quá trình xâm nhập vào băng tội phạm quốc tế gốc Đông Âu của nhóm phóng viên News of the World (NoW), phát hiện âm mưu bắt cóc vợ con Beckham ngay tại nhà để đòi món tiền chuộc khổng lồ: năm triệu bảng Anh. Số báo hôm đó tất nhiên bán rất chạy, làm rúng động giới thể thao và âm nhạc Anh.
Stuart Kuttner, thư ký tòa soạn NoW, phát biểu trên Đài truyền hình Sky News: “Cách đây sáu tuần, chúng tôi phát hiện một băng đảng người Romania và Albania lên kế hoạch bắt cóc Victoria Beckham và hai con trai Brooklyn, Romeo. Một trong số các phóng viên của chúng tôi được chúng tin cậy giao nhiệm vụ lái xe chở con tin. Hầu hết bọn tội phạm đều có súng, rất hung hăng, sẵn sàng dùng bạo lực khi cần”. Về món tiền chuộc “khủng”, ông Kuttner cho biết thêm: “Các thành viên trong băng đảng đã thảo luận rất sôi nổi. Ban đầu chúng định đòi một triệu bảng, nhưng một tên gợi ý “một triệu thì không đáng làm, sao không đòi năm triệu?”. Ông Kuttner cũng tiết lộ, phóng viên được bọn cướp tin cậy giao nhiệm vụ lái xe là Mazher Mahmood, trưởng nhóm phóng viên NoW, từng giả dạng người đi mua đồ ăn cắp, đã liên hệ với băng đảng này trước đó khá lâu. Mahmood bị kiểm tra và thử thách rất kỹ trước khi trở thành “người của chúng”. Cần nói thêm, Mahmood là phóng viên điều tra hàng đầu của tờ NoW, từng đưa “hơn 100 tên vô lại vào tù” như ông ta từng khoe.
Đây không phải lần đầu tiên, gia đình Beckham bị hăm dọa bắt cóc. Tháng 11/1999, cảnh sát hình sự của Scotland Yard (Sở cảnh sát London) phát hiện một âm mưu bắt cóc Posh và con trai đầu lòng Brooklyn trong lúc Beckham thi đấu trong trận đội tuyển Anh gặp đội tuyển Scotland. Gia đình Beckham lập tức được cảnh sát chuyển về một nơi an toàn trong 48 giờ. Bọn bắt cóc bỏ cuộc giữa chừng, không để lại dấu vết nào.
Tháng 5/2000, cảnh sát lại báo động khi Posh nhận được một bức ảnh của mình đăng trên báo có hình vẽ viên đạn bắn thẳng vào đầu, kèm theo chú thích “Mày sắp bị như vậy”. Đầu năm 2002, vợ chồng Beckham tiếp tục nhận được một bức ảnh của Brooklyn bị chảy máu đầu.
Trước khi bài báo được đăng, ngày 2/11/2002, John Coles, trưởng ban SO7, đơn vị Scotland Yard chống bắt cóc, xác nhận đã bắt được chín người, trong đó có một cô gái 18 tuổi, liên quan đến âm mưu bắt cóc nói trên tại London sau khi được tờ NoW cung cấp thông tin “đáng tin cậy”.
Bà Posh cũng được tờ NoW báo tin chiều ngày 2/11 khi đang trên đường đến sân Old Trafford xem chồng thi đấu. Bà bị sốc nặng khi biết tin mình và các con đang bị bọn bắt cóc “săn đuổi” nhưng không dám báo lại cho chồng trước trận đấu. Sau trận đấu, David tức tốc đưa vợ về nhà trong tâm trạng bất an. Các biện pháp an ninh được thắt chặt tại nhà cặp đôi nổi tiếng này. Posh cám ơn NoW đã báo cho mình biết một thông tin hết sức quan trọng liên quan đến sinh mạng của cả gia đình bà.
Loạt bài điều tra vụ bắt cóc vợ con Beckham trên tờ News of the World
Gậy ông đập lưng ông
Đầu tháng 6/2003, diễn biến vụ án âm mưu bắt cóc vợ con David Beckham bất ngờ quay ngoắt 180 độ. Tòa đại hình Guildhall ở Middlesex tuyên bố đình chỉ phiên tòa xét xử bảy nghi can liên quan đến vụ án vì cơ quan công tố cho rằng nhân chứng số một là Florim Gashi, 27 tuổi, không đáng tin cậy. Thẩm phán Simon Smith cho rằng tờ NoW, cụ thể là nhà báo Mazher Mahmood, đóng vai trò chính trong vụ án, đã mắc sai lầm. Theo ông, tờ báo đã “dựng đứng” một câu chuyện không có thật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tòa án đã báo cáo chuyện này lên Bộ trưởng Tư pháp Anh để có hướng xử lý.
Sự thật đằng sau scandal này là gì? Vụ bắt cóc tưởng tượng này đã đưa tên tuổi của phóng viên Mazher Mahmood lên tầm cao mới trong làng báo khổ nhỏ, chuyên đăng tin giật gân câu khách, cả tin thật lẫn tin giả. Nhưng sau đó, nó cũng chôn vùi uy tín của ông ta. Thật ra, chẳng có nhóm phóng viên nào của NoW xâm nhập băng đảng gốc Đông Âu. Người truyền cảm hứng cho Mahmood dựng lên câu chuyện bắt cóc ly kỳ trên là Florim Gashi, một sinh viên y khoa Albania, từng làm ăn với Mahmood trong một vài vụ án trước vì tiền. Trong vụ bắt cóc giả nói trên, Gashi khai được bồi dưỡng 10.000 bảng. Kết quả, Gashi bị trục xuất về nước.
Ban đầu, Gashi gặp Mahmood báo tin có một băng nhóm tội phạm bán một cái nón không vành của phụ nữ có đính kim cương. Mahmood chê câu chuyện quá nhạt. Lần sau, Gashi gọi điện thoại cho Mahmood báo tin cũng băng tội phạm đó lên kế hoạch bắt cóc Posh và con. Giai đoạn cuối của kế hoạch đang diễn ra, một tên trong bọn đã đi Ý mua bình xịt hơi cay đặc biệt, xịt trúng là nạn nhân ngất xỉu ngay. Một ngôi nhà hoang ở Brixton đã được chúng chọn để giấu con tin. Nhà của Beckham sắp được do thám. Thậm chí, Gashi nói còn được chúng thuê làm tài xế chở con tin đi trốn.
Mahmood đưa máy quay phim và máy ghi âm cho Gashi, bảo hắn thu thập thêm chứng cứ. Có mọi thứ trong tay, ông ta báo với cảnh sát là đang điều tra một vụ bắt cóc người nổi tiếng nhưng không cho biết tên. Xem chứng cứ do Mahmood cung cấp, cảnh sát “bắt nóng” những kẻ tình nghi trong ngày 2/11/2002.
Thời điểm này rất quan trọng với Mahmood vì ngày 3/11 khi cảnh sát tuyên bố phá vỡ được một âm mưu bắt cóc người nổi tiếng thì tờ NoW đã có bài tường thuật chi tiết vụ án trong khi các tờ báo khác còn lơ mơ.
Sau vụ scandal, một trong bảy người bị giam cầm oan uổng bảy tháng đã làm đơn kiện tờ NoW về tội phỉ báng nhưng thua kiện.
Gashi hiện là bác sĩ hành nghề tại Dubrovnik, Croatia, tỏ ra hối hận về một thời “trẻ người non dạ”. Riêng Mahmood có 20 năm gắn bó với NoW cho đến khi tờ báo này tự đình bản (7/7/2011) sau vụ bê bối nghe lén điện thoại khiến một số lãnh đạo của tờ báo đi tù.
TRỌNG NGHĨA
Beckham, Posh, News of The World, Mahmood, Stuart Kuttner, bắt cóc