PNO - Một phụ nữ đi mua ủng ở trung tâm mua sắm Saks Fifth Avenue, New York, đã run rẩy khi nhặt được lá thư giấu trong túi gói hàng. Mẩu thư được cho là của một người đàn ông đang ở một nhà tù ở Trung Quốc.
Một dây chuyền may đồ xuất khẩu ở Trung Quốc - Ảnh: article.wn.com
Lá thư viết: “Cứu, cứu, cứu! – chúng tôi bị đối xử tàn tệ, phải làm việc 13 tiếng một ngày như nô lệ tại một phân xưởng trong nhà tù để sản xuất ra những chiếc túi như thế này”. Xin cảm ơn và xin lỗi đã làm phiền”, là thư kết thúc.
Lá thư được ký là Tohnain Emmanuel Njong, kèm theo một ảnh hộ chiếu của một người đàn ông mặc áo khoác màu cam.
Cô Staphanie Wilson (28 tuổi), người Úc đang sống tại West Harlem vùng Manhattan đã chuyển lá thư đến Laogai Research Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington đấu tranh cho nhân quyền của những tù nhân Trung Quốc, từ đây, lá thư được chuyển tiếp đến Cơ quan An Ninh Nội Vụ để điều tra về tình hình cưỡng bức lao động.
Tuy nhiên, địa chỉ email yahoo được viết ở mặt sau lá thư đã không còn được sử dụng nữa và số phận của người tù vẫn còn bí ẩn cho đến khi tổ chức DNAinfo NewYork tìm thấy anh ta qua mạng xã hội trong tháng này.
Người này có quốc tịch Cameroon, hiện đã 34 tuổi, cho biết anh đã dạy tiếng Anh tại một tỉnh miền nam của tỉnh Shenzhen Trung Quốc và bị bắt vào tháng 5/2011 về tội lừa đảo.
Anh phủ nhận cáo buộc này nhưng vẫn bị kết án 10 tháng sau đó và bị đưa đến nhà tù ở tỉnh Sơn Đông. Anh bị cắt mọi quan hệ với bên ngoài, bị buộc lao động nhiều giờ để sản xuất ra những chiếc giỏ kể trên, và đồ điện.
Tổng cộng, anh đã viết 5 mẩu thư bằng bút và giấy được phát để ghi công nhật. “Tôi phải nằm dưới tấm nệm để viết để không ai biết là tôi viết những gì. Tôi hy vọng những lá thư sẽ đến tay gia đình hoặc bạn bè để họ biết tôi đang ở tù”.
Cuối cùng, sau 3 năm, anh cũng được thả và đã lên máy bay về lại Cameroon. Hiện anh đang sống ở Dubai, tìm được công việc giảng dạy.
“Dù lá thư không giúp gì để tôi được thả ra, nhưng tôi cũng rất vui vì cuối cùng nó đã được tìm thấy. Có người đã nghe tôi khóc, vậy là vui rồi”.
Cô Wilson, hiện đang làm việc tại tổ chức nhân quyền Trách Nhiệm Xã Hội Thế Giới (Social Accountability International) vẫn chưa tiếp xúc với tù nhân nổi tiếng này, nhưng cho biết ngày nào cô cũng nghĩ đến trường hợp của anh.
QUỲNH DAO (Theo Telegraph)
Trung Quốc, tù nhân, xưởng may, New York