Thế giới quanh ta

Xem phụ nữ “như quả dưa thối trên giàn”

PN - Chẳng biết từ lúc nào, cụm từ “sheng nu” đã xuất hiện thường xuyên, không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà còn ở cả văn bản chính thức của Trung Quốc (TQ).

Những phụ nữ TQ từ 28 trở lên, có học thức, địa vị xã hội và độc thân dễ bị liệt vào danh sách "thặng nữ" (ảnh BBC)

“Sheng nu” dịch ra tiếng Anh là “leftover women” với nghĩa “thặng nữ” hoặc “không được dùng đến”. Chắc chắn, khi dùng từ đó để nói về những phụ nữ có học, có sự nghiệp và thu nhập ổn định, từ 28 tuổi trở lên mà chưa kết hôn thì rõ ràng là không hề có tính tôn trọng, thậm chí còn là xúc phạm.

Báo chí TQ thường xuyên đề cập đến vấn đề này, cho rằng đó là “cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ về những phụ nữ chưa chồng”. Theo Leta Hong Fincher, một nhà báo Mỹ, đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa ở TQ, không phải cánh báo chí phát minh ra từ sheng nu mà chính các văn bản của chính phủ đã nhắc đến từ này từ vài năm trước. “Giờ, từ này đã xuất hiện ở nhiều bài báo, cả trong các bài bình luận lẫn các tranh biếm họa. Tôi cho rằng phụ nữ TQ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề vì điều đó”, cô Fincher nói.

Tại TQ hiện nay, số đàn ông tuổi 30 chưa vợ nhiều hơn số phụ nữ cùng tuổi chưa chồng đến hơn 20 triệu người. Do vậy, quy lỗi cho phụ nữ đã gây ra tình trạng khủng hoảng hôn nhân là không công bằng. Trớ trêu thay, điều đó lại được dư luận công nhận.

Đối với giới cầm quyền, tỷ lệ giới tính chênh lệch như vậy là hiểm họa có thể dẫn đến bất ổn xã hội, vì vậy “chính phủ luôn cho rằng phụ nữ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này”, Fincher nói. Mặc khác, chính phủ TQ còn làm mọi cách, kể cả tác động đến các phương tiện truyền thông, để thúc đẩy phụ nữ - đặc biệt là những người có học thức và vị trí xã hội, lấy chồng nhằm giảm bớt tỷ lệ cách biệt quá lớn giữa nam và nữ độc thân. Và chính phủ đã không loại trừ việc xúc phạm họ.

Tân Hoa Xã đã viết: "Bi kịch mà phụ nữ có học thức không nhận ra là giá trị của họ ngày càng giảm sát theo thời gian. Khi đạt được học vị thạc sĩ hay tiến sĩ thì họ đã héo rũ như quả dưa thối trên giàn"

Trong thời gian làm luận án tiến sĩ, Leta Hong Fincher tiếp xúc nhiều phụ nữ dạng này. Guo Yuan, một phụ nữ 28 tuổi phụ trách kinh doanh của một công ty ở Thượng Hải, kể: “Tôi dành dụm nhiều năm mới có được vài chục ngàn nhân dân tệ đặt mua một căn hộ. Nhưng, bố mẹ lại muốn tôi cho người em họ mượn số tiền đó để mua nhà, vì như thế nó mới có thể lấy vợ. Còn tôi, lúc ấy, vì không có tiền dành dụm nên đành phải nhắm mắt lấy đại một ông chồng nào đó!”.

Từng có không ít bài báo ở TQ mô tả phụ nữ có học thức là những người đầy tính thực dụng, đòi hỏi quá nhiều cho mình trong cuộc sống, theo kiểu “chẳng thà khóc một mình trên chiếc BMW còn hơn cười bên cạnh chồng trên chiếc xe đạp”. Thế nhưng, có mấy ai biết, những bài báo này được “vẽ” ra chỉ để “bêu xấu” phụ nữ (từ của Fincher), nhằm khiến họ phải sớm lấy chồng.

Trong một cuộc điều tra chính thức ở TQ hồi năm 2010, đến 26% phụ nữ ở khu vực thành thị có trình độ đại học, gấp đôi tỷ lệ của 10 năm trước. Phụ nữ TQ ngày nay không kém cạnh đồng nghiệp nam ở các trường đại học hay các viện nghiên cứu. Nhưng, có vẻ như chính phủ không hài lòng về điều này mà chỉ muốn phụ nữ học hành vừa phải, rồi lấy chồng, sinh con.

Năm 2011, một bài báo viết về vấn đề sheng nu được Tân Hoa Xã đăng lại như sau: “Bi kịch mà phụ nữ có học thức không nhận ra là giá trị của họ ngày càng giảm sút theo thời gian. Khi đạt được học vị thạc sĩ hay tiến sĩ thì họ đã héo rũ như quả dưa thối trên giàn…”.

Liệu một cơ quan thông tấn nhà nước có ý gì khi trích dẫn như vậy? Phải chăng, họ chỉ muốn phụ nữ TQ gác bỏ khát vọng sự nghiệp để trở về cuộc sống bên xó bếp như bao thế hệ trước?

 THIỆN NGA (Theo The New York Times, Huffington Post)

www.phunuonline.com.vn

Leta Hong Fincher, Guo Yuan, sheng nu, thặng nữ


© 2021 FAP
  327,206       1/590