Thế giới

Người di cư Nam Á 'giết nhau giành thức ăn' trên tàu

PN – Thuyền nhân được cứu sống trên một con tàu chìm ngoài khơi Indonesia nói với báo giới rằng khoảng 100 người đã thiệt mạng trong cuộc hỗn chiến giành số thực phẩm cuối cùng còn sót lại.


Trong số những người được cứu, nhiều người bị suy dinh dưỡng và mất nước - Ảnh: BBC/Getty Images.

Những người sống sót kể lại câu chuyện kinh hoàng mình đã trải qua. Ba nhân chứng đều nói rằng người ta bị đâm, bị treo cổ hoặc ném xuống biển.

700 người di cư từ Myanmar và Bangladesh được giải cứu đang được nhà chức trách Indonesia xử lý phân loại. Hàng ngàn người di cư ước tính sẽ trôi giạt ở vùng biển Đông Nam Á, sau khi họ bị từ chối cho phép cập bờ.

Những người này muốn cập bến ở Malaysia, nhưng hải quân nước này đã “xua đuổi” họ. Chiếc tàu được báo cáo là đã lênh đênh trên biển hai tháng và thủy thủ đoàn đã bỏ đi, khi chiếc tàu được ngư dân Indonesia cứu hôm thứ Sáu.


Một lều y tế đã được lập ở Langsa để điều trị những người di cư - Ảnh: BBC/Getty Images

Chính phủ Myanmar khẳng định họ không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng thuyền nhân đang xảy ra và cho biết có thể họ không tham dự một hội nghị thượng đỉnh sắp tới về vấn đề này.

Ngày 17/5, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết ông hy vọng sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng với Myanmar "trước khi nó được đưa lên cấp độ quốc tế". Malaysia hiện là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

"Chúng ta cũng phải quan tâm đến lợi ích của chúng ta, các vấn đề xã hội và an ninh của chúng ta”, Bộ trưởng Aman cho biết sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali. Ông cho biết hai nước “đang yêu cầu Myanmar tham gia vào việc tìm kiếm một giải pháp”.


Trong số những người di cư Rohingya ở Langsa có nhiều phụ nữ và trẻ em - Ảnh: BBC/Getty Images

Sáng sớm Chủ nhật (17/5) có tin ít nhất năm thuyền buôn người chở đến 1.000 người di cư thả neo ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Myanmar. Vì Thái Lan và Malaysia không cho phép các tàu chở người di cư cập bờ, những kẻ buôn người không dám cho các thuyền này khởi hành, nhưng chúng cũng không cho phép người di cư rời thuyền để còn đòi tiền chuộc.

TỐ QUYÊN
(Theo BBC, AFP)
 

www.phunuonline.com.vn

Người di cư, Myanmar, Bangladesh, Malaysia, buôn người, trôi trên biển, giải pháp


© 2021 FAP
  360,186       3/870