Thế giới

Không ai có thể buộc tôi im lặng!

PN - Khi cơn ác mộng kinh hoàng nhất đời mình ập đến, Charlotte Campbell-Stephen, nhân viên xã hội người Australia làm việc tại thủ đô Nairobi (Kenya) vẫn không ngã lòng.

Năm 2006, Charlotte đang làm việc tại Kenya trong màu áo tình nguyện thì bị một nhóm thanh niên nhạo báng và thay nhau cưỡng hiếp cô suốt tám giờ. Bằng bản năng sinh tồn và sự mạnh mẽ vốn có, ngay sau đó, Charlotte đến đồn cảnh sát ở thủ đô Nairobi để tố cáo. Cô tin có công lý.

Người trực tiếp thẩm vấn Charlotte lúc ấy là điều tra viên Geoff Kinuya. Điều khiến Charlotte vô cùng bất ngờ là các điều tra viên khác ở đấy, cũng như điều tra viên từ những khu vực lân cận đã tìm đến và ngồi chật kín căn phòng, bởi hiếm khi có nạn nhân của một vụ tấn công tình dục dám đến đồn cảnh sát để tố cáo. Charlotte kể: “Mỗi khi tôi nhắc đến từ “âm đạo”, tôi thấy sự bối rối trên khuôn mặt từng người. Họ cúi đầu, lúng túng vân vê tờ giấy, như tránh ánh mắt của tôi. Tôi nhìn thẳng vào họ và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Với họ, những điều tôi nói là nhạy cảm, nhưng tôi muốn họ hiểu, có những kẻ coi thường phụ nữ đến mức xem phụ nữ chỉ là công cụ thỏa mãn cơn khát dục vọng”.

Charlotte là người bạn lớn của người dân Kenya - ẢNH: RYMERCHILDS

Cuối buổi thẩm vấn, điều tra viên Geoff Kinuya nói với Charlotte, trước đó chẳng ai thắng trong bất cứ vụ tố cáo cưỡng hiếp nào ở Kenya. Phụ nữ ở đây đã học cách thích nghi là… im lặng. Sứ quán Australia ở Kenya khuyên Charlotte về nước nhưng cô từ chối. Thay vào đó, cô đưa những kẻ tấn công mình ra tòa. Cô chọn cách đối đầu bằng “cuộc chiến” thật sự.

Charlotte sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô Cronulla, Sydney. Cô rời quê hương, tham gia tổ chức xã hội “African Leaf” và chọn Kenya là nơi thực hiện lý tưởng. “African Leaf” là tổ chức chuyên hỗ trợ trẻ bị lạm dụng, ngược đãi. Charlotte bị tấn công khi mới chân ướt chân ráo đến đây hai tháng. Sự cố đáng tiếc càng khiến cô hiểu rằng nơi này cần mình, phụ nữ và trẻ em cần mình để được thay đổi.

Ở thời điểm ấy, theo thống kê của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Kenya, trung bình mỗi 30 phút lại có một phụ nữ bị tấn công tình dục. Liên đoàn Nữ luật sư ở Kenya cũng chỉ ra rằng, nữ giới không được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản. Vì thế, Charlotte không chỉ đấu tranh vì bản thân mà còn muốn thay đổi nhận thức của người dân Kenya với vấn nạn này.

Charlotte trong buổi dạy nữ giới cách ứng phó trước sự tấn công của đối phương -ẢNH: RYMERCHILDS

Ban đầu, Charlotte không có nhóm luật sư để hỗ trợ pháp lý cho mình vì cô không được cho phép. Cô dò la và gõ cửa tìm tới 18 công tố viên để nhờ giúp đỡ. Đã có đến tám lần mọi thứ phải bắt đầu lại từ số 0, hồ sơ điều tra thất lạc, nhưng Charlotte vẫn kiên trì đối mặt với những phiên tòa tưởng như chỉ nhằm vào một nhiệm vụ duy nhất là dồn ép cô. Phải mất đến bảy năm rưỡi, Charlotte mới được thấy công lý. Những kẻ phạm tội đã lãnh án chung thân, không phải vì tội cưỡng hiếp mà vì thực hiện một vụ đánh cướp bạo lực. Điều Charlotte không cam lòng là đến phút cuối, những kẻ ấy vẫn không hối hận, ăn năn về những gì chúng đã làm với cô.

Với Charlotte, công lý và chiến thắng nằm ở những gì cô đón nhận được từ những người yêu mến mình. Cô đã thay đổi được cách nghĩ của rất nhiều phụ nữ Kenya và là nguồn động lực lớn lao cho họ. Họ xem cô là vị cứu tinh, tìm đến cô và nói rằng họ, con gái họ cũng là nạn nhân của những kẻ tấn công tình dục và nhờ cô chỉ cách làm sao để tố cáo. Điều tra viên Geoff Kinuya cũng trở thành một người bạn thân thiết của cô từ lúc nào không hay. Cách đây vài tuần, khi cô đến thăm một đồn cảnh sát ở Nairobi, họ đã phấn khởi “khoe” với cô về sáng kiến “hộp tố cáo”. Các nạn nhân có thể ghi lại chứng cứ tố cáo kẻ tấn công mình mà không cần phải ra tòa đối diện trực tiếp với những kẻ ấy. Charlotte đã khóc vì quá xúc động khi chứng kiến một diện mạo mới, đổi thay từng ngày ở Nairobi.

Tổ chức “I Will Not Be Silenced” (Không ai có thể buộc tôi im lặng) đã từ câu chuyện của Charlotte thực hiện bộ phim tài liệu cùng tên. Phim được trình chiếu khai mạc Liên hoan phim Nghệ thuật nhân quyền ở Australia năm 2015.

Hiện tại, Charlotte vẫn sống ở Nairobi, làm việc cho dự án Polycom với nhiệm vụ chính là trang bị kiến thức cho phụ nữ để đối phó với nạn xâm phạm tình dục hoặc bị ngược đãi, bạo lực. Với người dân nơi này, cô như một người bạn thân thiết, chỗ dựa tinh thần lớn lao, người luôn bên cạnh để bênh vực và dạy họ cách tự bảo vệ lấy mình.

 THIÊN ANH (Theo Guardian, Herald)

www.phunuonline.com.vn

I Will Not Be Silenced, Charlotte Campbell-Stephen, cưỡng hiếp, tố cáo, Kenya


© 2021 FAP
  360,521       1/868