Thế giới

Malaysia và Thái Lan ‘xua đuổi’ thuyền nhân

PN – Thuyền nhân Rohingya và Bangladesh bị bỏ rơi trên biển sau một chiến dịch truy quét bọn buôn người và Malaysia “xua đuổi” hai thuyền gỗ chở hàng trăm người di cư không còn gì để ăn, trong bối cảnh Thái Lan cũng cho thấy họ không muốn tiếp nhận thuyền nhân.



Thuyền nhân Rohingya và Bangladesh bị "xua đuổi", tình trạng hết sức thê thảm - Ảnh: AP, Getty Images

"Người ta trông đợi chúng tôi phải làm gì đây?”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia, ông Wan Junaidi Jafaar đặt câu hỏi với báo giới. "Chúng tôi đã đối xử rất tốt đối với những người đột nhập vào biên giới của mình. Chúng tôi đã đối xử với họ nhân đạo, nhưng họ không thể tràn ngập bờ biển của chúng tôi như thế này", ông nói. "Chúng tôi phải gửi đi thông điệp đúng, là họ không được chào đón ở đây”, ông tuyên bố.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, cũng tuyên bố nước ông không đủ khả năng để chứa những người tị nạn. "Nếu chúng ta tiếp nhận tất cả họ, rồi ai đó muốn đến sẽ không do dự mà đến đây, nhưng ngân sách lấy từ đâu?”, ông Chan-ocha nói. Ông không gợi ý những người tị nạn này có thể đi đâu, mà chỉ nói “Không nước nào muốn tiếp nhận họ”.

Đông Nam Á trong nhiều năm qua đã cố gắng “phớt lờ” hoàn cảnh của 1,3 triệu người Rohingya ở Myanmar, nhưng nay các nước liên quan đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo xoắn ốc mà họ gián tiếp tạo ra. Trong ba năm qua, có hơn 120.000 người của cộng đồng Hồi giáo thiểu số này trở thành thuyền nhân đi sang các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, sau chiến dịch truy quét trong khu vực, một số thuyền trưởng và những kẻ buôn người đã bỏ của chạy lấy người, để lại khoảng 6.000 người tị nạn lênh đênh trên biển.

Khoảng 1.600 đã “đổ bộ” lên bờ trong những ngày gần đây - một ngàn người lên đảo Langkawi, một hòn đảo nghỉ mát ở miền Bắc Malaysia, 600 người lén lút đột nhập Indonesia.

Những người còn lại trên các thuyền đang trong tình trạng thiếu nước uống và thực phẩm. "Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đòi hỏi phản ứng ngay lập tức”, ông Matthew Smith, giám đốc điều hành tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận Fortify Rights nói. Theo ông, "các mạng sống hiện hết sức bấp bênh”.



Thuyền nhân Bangladesh và Myanmar là gánh nặng đối với các nước láng giềng - Ảnh: Reuters, Getty Images

Bất chấp lời kêu gọi của các nhóm cứu trợ LHQ, không có chính phủ nào trong khu vực - Thái Lan, Indonesia hay Malaysia - sẵn sàng chấp nhận những người tị nạn. Các nước này sợ rằng việc chấp nhận một số người sẽ “khai thông” dòng chảy vô tận của những người di cư nghèo, ít học từ Bangladesh và Myanmar vào nước mình, nguyên nhân tiềm tàng của những bất ổn xã hội trong tương lai.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhận được những thông tin “cấp báo” rằng một số quốc gia có thể từ chối cho phép các tàu chở người người tị nạn và người di cư cập bờ. Hôm 14/5, ông Ban Ki-moon đã kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực "tạo điều kiện để thuyền nhân lên bờ, mở cửa biên giới và cảng để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương đang gặp hoàn cảnh khó khăn”.

Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức giám sát nhân quyền châu Á (HRWA) lên tiếng cáo buộc Indonesia, Thái Lan và Malaysia chơi trò đánh bóng bàn "ba bên” đối với mạng sống của thuyền nhân.

VIỆT HƯNG
(Theo AP, AFP)
 

www.phunuonline.com.vn

Thuyền nhân Bangladesh và Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, buôn người


© 2021 FAP
  360,802       1/882