PN - Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong việc phát triển trí tuệ toàn diện chứ không đơn thuần là sản xuất các robot.
Đầu năm nay, ông Modi phát động chiến dịch trên toàn quốc nhằm kêu gọi phụ huynh đưa con em, nhất là trẻ em gái đến trường. Quyết tâm của ông Modi cũng là quyết tâm của quốc gia mới nổi, có vô vàn tiềm năng về kinh tế nhưng tỷ lệ biết chữ vẫn chỉ đạt 74%. Tuy nhiên, không thể trong nháy mắt mà nền giáo dục của quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới có thể lột xác để đáp ứng mọi yêu cầu của thời đại.
Áp lực chạy đua kinh tế cũng như khát khao vươn lên của từng gia đình, cá nhân có lúc tạo thành đường đua lệch hướng, khi học sinh chỉ chăm chăm vào kết quả. Ấn Độ đang bước vào mùa thi cuối năm học, chuyển giai đoạn từ lớp 10 lên lớp 11, với hơn 1,4 triệu học sinh của 1.200 trường trung học. Cùng với kỳ thi cuối cấp lớp 12, đây là kỳ thi quyết định điều kiện dự tuyển bậc đại học. Hàng trăm trường hợp bị lập biên bản gian lận.
Cá biệt hơn là hình ảnh phụ huynh trèo tường, chực chờ bên ngoài ngôi trường tại Hajipur, miền Đông bang Bihar để ném “phao” cho con. Hình ảnh phản cảm này lan rộng khắp các trang tin thế giới. Dù có bố trí cảnh sát ở quanh các trường tổ chức thi nhưng cơ quan chức năng không ngăn chặn được tất cả sáu triệu người thân của các em một khi họ bất chấp tất cả để giúp con. Một lần nữa, Ấn Độ phải tự nhìn nhận lại hệ thống giáo dục và thi cử của mình.
Phụ huynh leo tường để ném “phao” cho con em đang thi - Ảnh: AP
Anil, một sinh viên ngành y ở miền Nam Ấn Độ tiết lộ, anh từng được hỗ trợ gian lận thi cử với giá 40 USD. Giờ đây, Anil tiếp tục truyền lại bí kíp và không ngừng nâng cấp mức độ tinh vi để phục vụ sĩ tử. Trước tiên là dùng máy thu phát tín hiệu để chụp ảnh đề thi, sau đó gửi cho một người ở ngoài và chờ nhận cuộc gọi thông qua máy nghe nhỏ như hạt đậu gắn bên tai. Đây là cách Anil sử dụng trót lọt nhiều lần. Nay biết được nguồn nhập những thiết bị này từ Mỹ, anh chàng không ngần ngại mua, rồi rao bán lại trên trang eBay. Mỗi tuần, có khoảng ba-bốn người tìm đến Anil, mang lại thu nhập khá cho anh.
Ở thành phố Allahabad, bang Uttar Pradesh, một nhóm thanh tra về công tác thi cử năm 2014 đã bị đe dọa sau khi phát hiện hai học sinh đang quay bài. Trong khi đó, tại thành phố Bereily, một nhóm giám sát viên âm thầm kiểm tra một ngôi trường đang tổ chức thi trình độ tiếng Hindi, và tận mắt chứng kiến giáo viên gác thi ghi đáp án cho học sinh ngay trên bảng. Đôi khi, sự thật đằng sau cuộc chiến chống gian lận khiến nhiều người ngỡ ngàng. Một học sinh lớp 10 của bang Uttar Pradesh năm ngoái cáo buộc hiệu trưởng trường mình “ra giá” 100 USD để thầy cô nhắm mắt làm ngơ cho mỗi học sinh gian lận. Gia đình em không có điều kiện để trả một nửa số ấy. Quá bức bách, em đã tẩm xăng lên người và tự thiêu.
Nhiều giáo viên và quan chức của ngành giáo dục Ấn Độ cho biết, thực trạng gian lận trong thi cử chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong hàng triệu học sinh nước này. Tuy nhiên, tình trạng này bắt đầu xấu đi từ khi chính sách cải cách giáo dục được áp dụng năm 2010. Theo luật mới, tất cả trẻ em phải hoàn tất ít nhất chương trình học lớp 8. Chính phủ Ấn Độ muốn nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông học lên tiếp đại học từ mức 12% lên 30% năm 2025, ngang bằng với nhiều nước phương Tây. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đặt mục tiêu cao trong một thời gian khá ngắn đã gây khó khăn cho nền giáo dục Ấn Độ. Không có hướng dẫn cụ thể đối với việc đào tạo những học sinh có sở trường khác biệt khiến tất cả phải cùng chạy trên một đường đua. Hậu quả là có những em không theo kịp.
Có dân số 1,2 tỷ người, lại là quốc gia có dân số trẻ đông nhất thế giới (1/4 trong số đó từ 10-24 tuổi), việc chọn một ngôi trường phù hợp được ví như chìa khóa để mở cánh cửa thành công. Với người dân Ấn Độ, đây là cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Thế nhưng, thay vì nỗ lực bằng thực tài thì nhiều phụ huynh cũng như học sinh lại chọn đường tắt mà không ngờ rằng, biện pháp này vô tình đẩy mỗi em trở thành robot như Thủ tướng Modi từng đề cập.
ANH THÔNG
(Theo CBS, CNN, LA Times)
Ấn Độ, thi cử, gian lận, trường học, phụ huynh, giáo dục, trí tuệ