Thế giới

Ông Lý Quang Diệu và gia đình: một lòng hiệp tâm, son sắt

PN - Cội rễ hun đúc nên ý chí và sức mạnh tinh thần của nhà lãnh đạo tài ba Lý Quang Diệu, không ngờ lại đến từ người bạn đời của ông, bà Kha Ngọc Chi.

Cố Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu - Ảnh: AP

Vợ chồng ông Lý Quang Diệu và các con - Ảnh: www.singapolitics.sg

Bà đã qua đời năm 2010 nhưng người dân Singapore vẫn không khỏi nghẹn ngào, xúc động mỗi khi đọc lại từng câu, chữ đầy ắp tình yêu thương mà ông Lý Quang Diệu gửi gắm trong điếu văn dành cho vợ. Gạt qua tất cả những lối mòn sáo rỗng cùng biết bao cám dỗ của cuộc đời, ông và bà đã dành cho nhau trọn vẹn ân tình đến tận phút giây cuối cùng.

Vợ chồng ông Lý Quang Diệu đùa vui bên các cháu - Ảnh: Blogspot

Khi đến với bà Kha Ngọc Chi, ông Lý Quang Diệu là một chàng trai trẻ dang dở đại học. Không chịu sự chi phối của suy nghĩ lối mòn, ông quyết tâm đến với người phụ nữ hơn tuổi, thậm chí khi ấy hơn ông cả về trình đồ học vấn. Với xã hội châu Á lúc bấy giờ, đây là một lựa chọn dũng cảm vì không ai muốn “chịu lép” trước vợ.

Kiến thức luật tưởng chừng khô khan, cứng nhắc bỗng trở thành đề tài để ông và bà đối đáp, trao đổi sôi nổi mỗi lần gặp gỡ và cũng là “dây tơ hồng” nối hai tâm hồn đầy nhiệt huyết, lý tưởng lại với nhau.

Vấp phải rào cản phản đối từ gia đình bà là động lực lớn lao để ông dốc sức theo đuổi ngành học mà ông và bà cùng đam mê. Nỗ lực của ông cũng được đền đáp khi cả hai có cơ hội cùng qua Anh, theo khoa luật của Đại học Cambridge để mài giũa kiến thức. Nơi này đã chứng kiến tình yêu của ông bà thăng hoa với lễ kết hôn giản dị nhưng gắn kết cả hai trọn đời.

Tình cảm nồng nản của ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi ở tuổi về già – Ảnh: danielyunhx.com

Ít ai biết được bà Kha Ngọc Chi là phụ nữ đầu tiên từ châu Á sở hữu bằng luật loại ưu của đại học Cambridge. Kiến thức nào ông Lý Quang Diệu thấu hiểu thì bà Kha Ngọc Chi cũng biết đến tường tận.

Những năm đầu sau hôn nhân, chính bà là người nuôi sống gia đình bằng nghề luật. Ông Lý Quang Diệu cho rằng, nhờ đó mà ông được giải phóng khỏi áp lực kiếm tiền để tập trung phát triển sự nghiệp chính trị. Khi cuộc sống dần ổn định, vì chồng, vì gia đình, bà sẵn lòng xếp lại sự nghiệp để toàn tâm toàn ý “nâng khăn sửa túi” cho chồng.

Nếu ông Lý Quang Diệu quyết đoán và lý trí thì bà giải quyết vấn đề bằng chính trực giác cùng kinh nghiệm sống. Ông Lý Quang Diệu từng chia sẻ rằng, nếu không có bà Kha Ngọc Chi sẽ không có ông của ngày hôm nay. Bà đã âm thành sát cánh cùng ông ở mọi thời điểm, trên mọi “mặt trận” và với ông, bà chính là người bạn tâm giao. Bà đã giúp ông soạn thảo Hiến pháp của đảng Nhân dân Hành động (PAP), tham vấn cho ông trong nhiều quyết sách quan trọng.

Bà Kha Ngọc Chi luôn ở bên cạnh, chia sẻ với ông như một người bạn tâm giao - Ảnh: danielyunhx.com

Tinh tế, chu đáo, bà luôn âm thầm nép mình ở vị trí hậu phương, góp nên chất keo kết dính những cộng sự của ông Lý Quang Diệu, tạo nên một bộ máy chính trị đoàn kết, hết lòng phụng sự đất nước.

Trong cuốn hồi ký “Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất”, ông Lý Quang Diệu đã dành một số trang để đánh giá, ghi nhận vai trò của các thành viên trong gia đình đối với sự nghiệp chính trị của mình. Tuy nội dung này chiếm vỏn vẹn vài trang vì ông vốn kín tiếng về chuyện riêng tư nhưng những gì ông viết riêng dành cho vợ mình khiến mọi người thầm ngưỡng mộ. Ông thổ lộ mình là người may mắn vì có một “nội tướng” nâng bước ông vững vàng trên mọi ngả đường. Bà không lợi dụng danh tiếng của chồng cũng như không “chen” vào việc quản lý đất nước của ông. Bà lui về chăm lo đời sống của gia đình nhưng hơn ai hết, ông Lý Quang Diệu hiểu được bà là chỗ dựa, nguồn động viên, an ủi quan trọng với ông đến thế nào.

Ngày cưới của ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi - Ảnh: danielyunhx.com

Không chỉ quý phục vì cốt cách lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu mà người dân Singapore còn nhìn vào mối tình thủy chung, sắt son mà ông dành cho vợ như là niềm tự hào về vị thủ tướng đầu tiên của mình.

Những năm cuối đời của bà Kha Ngọc Chi, ông tận tụy ở bên cạnh để chăm sóc vợ, vì bà muốn thế, thay vì việc ấy được giao cho y tá. Ông đọc những bài thơ bà yêu thích để bà dễ ngủ, kể bà nghe những việc ông làm trong ngày, nhẹ nhàng nhặt thức ăn vương vãi quanh người bà. Tình cảm nồng nàn như ngọn lửa sưởi ấm những ngày cuối cùng, giúp bà ra đi thanh thản, giã từ đớn đau hoành hành cơ thể bệnh tật.

Bà Kha Ngọc Chi đã kịp để lại tâm nguyện của mình rằng bà muốn sau khi cả hai ông bà qua đời, tro cốt của họ được đặt cạnh nhau, như một đời bền chặt, gắn bó mà cả hai đã dành cho nhau.

Gia đình nhỏ của ông Lý Quang Diệu - Ảnh: danielyunhx.com

Tình yêu cao đẹp của ông bà đã đơm thành những trái ngọt, là những công dân bình dị, khiêm tốn và là nhà lãnh đạo chuẩn mực. Bài học đầu tiên mà ông dạy các con là tự hào với nguồn gốc của mình. Ông Lý Quang Diệu có cái tên pha trộn giữa hai nên văn hóa là Henry Lý Quang Diệu do Singapore từng là thuộc địa của Anh. Ông nhất quyết đặt tên con không có yếu tố nước ngoài. Các con của ông cũng tuân theo “luật bất thành văn” này của gia đình. Ông Lý Quang Diệu còn tránh được vết xe đổ của bố, một người đàn ông nóng nảy, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết chuyện gia đình. Đòn roi không có trong gia đình ông, mà thay vào đó là lời răn đe cứng rắn.

Bà Kha Ngọc Chi là một cộng sự đắc lực, luôn sát cánh cùng ông Lý Quang Diệu - Ảnh: danielyunhx.com

Thủ tướng Lý Hiển Long không quên những tháng ngày ấu thơ bình yên và hạnh phúc bên bố mẹ và hai em là Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương. Ông từng chia sẻ rằng: “Chúng tôi được dạy cách cư xử phải phép, quan tâm đến mọi người. Tình yêu dân tộc bắt nguồn từ những bài học làm người và bài học về sự tự ý thức”. Không bao giờ các con của ông Lý Quang Diệu sống với tâm thế là cậu ấm cô chiêu. Đó chính là nhờ sự thống nhất trong việc dạy con của vợ chồng ông.

Từ những người giúp việc đến tài xế của gia đình ông Lý Quang Diệu ngày xưa đều hồi tưởng đến hình ảnh những đứa bé ngoan ngoãn, lễ phép, độc lập trong một gia đình quyền thế. Ngay từ khi ông Lý Hiển Long học lớp 3, bố ông đã cấm người giúp việc đưa đón con mình mà bắt con phải tự đón xe buýt đến trường.

Những ngày hạnh phúc của ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi - Ảnh: wordpress

Là người con duy nhất đi theo con đường chính trị của bố, Thủ tướng Lý Hiển Long dù có những sáng kiến mới mẻ thế nào cũng không quên được lựa chọn phát triển đất nước kỹ trị theo mô hình mà ông Lý Quang Diệu đã hướng đến. Singapore có lẽ là nước thể hiện chế độ kỹ trị tốt nhất khi giới chính trị gia và chuyên gia có thể kết hợp hài hòa với nhau, cùng hướng đến một mục tiêu vì lợi ích quốc gia.

Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi - Ảnh: blogspot

Bà Lý Vỹ Linh, hiện là Giám đốc Viện Khoa học thần kinh Singapore từng chia sẻ trên tờ Sunday Times rằng: “Ngôi nhà của tôi xoàng xĩnh thôi nhưng tôi rất thoải mái khi ở trong đó vì đó là nơi quen thuộc của chúng tôi. Gia đình tôi không nghèo nhưng chúng tôi được giáo dục cách sống tiết kiệm. Tôi thật tâm lo lắng cho những người Singapore đang sống chật vật nhưng khủng hoảng kinh tế cũng là động lực để chúng ta xác định lại động cơ và mục tiêu trong cuộc đời mình. Phương tiện truyền thông hàng ngày vẫn không ngừng cổ súy cho cách sống trọng bề ngoài, phô trương. Chúng ta luôn biết lựa chọn nào là đúng và nó luôn trong tầm tay. Đừng đi theo tâm lý của đám đông”.

Thời thanh xuân của ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi - Ảnh: blogspot

Bài học tự thân nỗ lực của ông Lý Quang Diệu được cả ba người con thấm nhuần. Con trai thứ của ông là ông Lý Hiển Dương từng là chuẩn tướng và cũng là cựu chủ tịch, Tổng Giám đốc của SingTel, một tập đoàn viễn thông xuyên châu Á. Đây là công ty lớn nhất trong thị trường chứng khoán Singapore. Vào năm 2007, SingTel được vinh danh là mạng di động lớn nhất châu Á (không kể Trung Quốc) với số lượng thuê bao tăng trưởng kỷ lục lên tới 12 triệu, trong quý I năm 2007 đạt 124 triệu người.

Ông Lý Hiển Dương cũng từng là Ủy viên quản trị không trị sự và từng có thời kỳ làm chủ tịch của công ty thực phẩm và đồ uống Fraser and Neave (F&N). F&N đã có tổng giá trị tài sản hàng tỷ USD và 17.000 nhân viên trải khắp 20 quốc gia trên toàn thế giới.

Bài học “trị gia” của ông Lý Quang Diệu là điểm sáng, không chỉ người dân Singapore lấy đó làm kim chỉ nam mà còn là câu chuyện thấm đượm ý nghĩa, có giá trị với mỗi gia đình, dù ở bất cứ quốc gia nào.

Tình yêu có sức mạnh vô bờ, tạo ra một vận mệnh của cả một dân tộc, khi nó vượt qua khỏi giới hạn của tình yêu đối lứa mà hòa chung thành tình yêu con người và lòng trung thành hướng về tổ quốc.

VĨNH LINH 
(Theo CNA, Conversations with Lee Kuan Yew)
 

www.phunuonline.com.vn

Singapore, Lý Quang Diệu, Kha Ngọc Chi, Lý Hiển Long, Thủ tướng


© 2021 FAP
  631,781       1/1,302