PN - Sau kỳ nghỉ dưỡng tại quê nhà Florida (Mỹ), thợ máy trực thăng Ryan Pate quay lại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) để nộp đơn xin nghỉ việc.Nhưng, Ryan Pate chẳng thể ngờ mình có thể bị tù 5 năm vì đăng lời lẽ xúc phạm sếp trên facebook.
Cuối năm ngoái, Ryan Pate bất đồng với cấp trên tại Công ty kho vận hàng không toàn cầu Global Aerospace Logistics (UAE) liên quan đến việc xin gia hạn thời gian nghỉ dưỡng của mình vì anh thường xuyên đau lưng. Không được chấp thuận, Ryan Pate viết những lời lẽ xúc phạm cấp trên và đưa ra lời miệt thị có “mùi” phân biệt chủng tộc. Anh còn cố ý cảnh báo đối tác của Công ty Global Aerospace, rằng họ phải cẩn thận, không nên tin tưởng công ty này.
Ryan Pate không ngờ những lời lẽ viết ra trong lúc tức giận khiến anh gặp rắc rối to. Dù chuyện “giận mất khôn” của Ryan diễn ra khi anh ở Mỹ, nhưng theo quy định về Luật sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội ở UAE thì Ryan Pate phạm tội nặng. Ngay khi Ryan quay lại Abu Dhabi, chính quyền UAE đã yêu cầu Ryan trình diện tại một sở cảnh sát gần đó. Tại đây, hình ảnh chụp lại màn ảnh những câu Ryan thóa mạ công ty mình được trưng ra. Anh không thể chối cãi và buộc phải chấp nhận những bước xử lý tiếp theo của cơ quan chức năng. Phiên tòa xử công dân Mỹ Ryan Pate dự kiến vào ngày 17/3, nhiều khả năng anh phải ngồi tù 5 năm và nộp khoản tiền phạt khá lớn nếu bị tuyên có tội.
Cuối năm 2012, UAE công bố một văn bản pháp luật toàn diện nhất về tội phạm mạng trong khu vực vùng vịnh Ả Rập và Trung Đông, dựa theo văn bản có từ năm 2006. Lần đầu tiên, các hành vi phạm tội có sử dụng Internet được hệ thống hóa khá đầy đủ, cùng với bản án cụ thể dành cho bất cứ ai phạm tội khi tham gia giao tiếp trên Internet.
Giao tiếp trên mạng xã hội cũng như các thiết bị công nghệ cao không đơn thuần là quyền tự do cá nhân, nhất là khi cá nhân đó có thể gây nên hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường làm việc.
Tòa án tối cao Pháp tháng trước vừa đưa ra phán quyết cho phép người sử dụng lao động ở nước này có quyền giám sát nhân viên một cách hợp pháp, thông qua việc đọc tin nhắn cấp dưới gửi từ điện thoại công sở. Theo tòa án, những tin nhắn này mang tính chất công việc nên cần được kiểm tra để không lọt ra ngoài các nội dung chỉ trích cá nhân, bôi nhọ hình ảnh công ty.
Không ai phủ nhận sức mạnh kết nối và tương tác của mạng xã hội. Nhưng, tận dụng công nghệ để “xích lại gần nhau” hay kết thúc mọi sự hợp tác, liên kết đòi hỏi sự tỉnh táo, đúng mực và đúng luật.
ANH THÔNG
(Theo Reuters, Huffington Post)
Facebook, mạng xã hội, sếp và nhân viên, thế giới ảo, luật, người lao động