Thế giới

Đàn ông mặc váy để bảo vệ nữ quyền

PN - Là nam giới nhưng họ lại chấp nhận mặc váy, trang phục của phụ nữ. Chuyện lạ lần đầu xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan cũng chính là cách mà một số quý ông nỗ lực đấu tranh bảo vệ quyền

Nam giới Thổ Nhĩ Kỳ mặc váy xuống đường để bảo vệ nữ quyền - Ảnh:Getty Images

Tuần qua, nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế phụ nữ, một nhóm nam giới ở thủ đô Kabul (Afghanistan) đã xuống đường trong trang phục burqa xanh trùm kín từ đầu đến chân. Từ thập niên 1990 đến nay, ở Afghanistan đã tồn tại quy định bất thành văn do Taliban áp đặt, đó là phụ nữ phải mặc bộ trang phục burqa ở tất cả nơi công cộng. Nếu không tuân thủ, họ sẽ bị đánh hoặc hành quyết công khai.

Một trong những lần ra tay dã man nhất của Taliban là đòn chí mạng giáng xuống nữ nhà văn người Ấn Độ Sushmita Banerjee. Bà sống cùng chồng là người Afghanistan ở tỉnh Paktika. Tháng 9/2013, một người lạ mặt lôi bà ra khỏi nhà, sau đó chúng dùng nhục hình, rồi bắn chết bà. Một nhánh thuộc Taliban gọi là Nhóm Tự sát của Phong trào Hồi giáo Afghanistan đã nhận trách nhiệm. Bà Sushmita Banerjee tận tụy trong vai trò nhân viên y tế thiện nguyện và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Bà là cái gai trong mắt mà Taliban rắp tâm nhổ bỏ. Năm 1995, bà từng viết một quyển sách (bán rất chạy ở Ấn Độ) về cuộc sống khổ cực của phụ nữ Afghanistan dưới sự kiểm soát của Taliban. Bà cương quyết không mặc burqa, luôn nỗ lực bảo vệ quyền phụ nữ, một điều rất “xa xỉ” ở quốc gia Trung Á này.

Tội ác tương tự cũng xảy ra tại những vùng do IS kiểm soát. Chuyện mới nhất là IS hành quyết năm người đàn ông ở khu Al-Muthanna Mosul vì vợ của những người này không chịu mặc trang phục tương tự như burqa do IS công bố. Những người đàn ông này trước đó nói rằng họ không muốn ra lệnh cho vợ về chuyện trang phục - lẽ ra thuộc về quyền tự do cá nhân.

Đàn ông ở Afghanistan mặc trang phục burqa để truyền đi thông điệp "Đừng bảo phụ nữ là họ phải mặc gì"

Anh Basir (29 tuổi), một trong những thanh niên tham gia đợt tuần hành đặc biệt trên cho biết: “Chính quyền chúc mừng ngày quốc tế phụ nữ ở những nơi trang trọng nhưng chúng tôi muốn tiếp cận từ những điều nhỏ nhặt nhất mà chị em phải trải qua mỗi ngày. Trang phục burqa tưởng như bình thường nhưng đó là sự bó buộc cứng nhắc mà không phải ai cũng thoải mái đón nhận”. Những người đàn ông tham gia nhóm Afghan Peace Volunteers (Người tình nguyện vì hòa bình ở Afghanistan) mang theo các khẩu hiệu “Bình đẳng”, “Đừng bảo phụ nữ là họ phải mặc gì”.

Thế nhưng, không phải phụ nữ nào cũng may mắn được chồng chia sẻ. Cảnh sát Javed Haidari (24 tuổi) ở Kabul tỏ vẻ tức giận với cuộc tuần hành này và tuyên bố chắc nịch: “Tuần hành để làm gì? Phụ nữ cả nhà tôi phải mặc burqa ra đường, nếu không thì ở nhà”.

Từ giữa tháng Hai đến nay, các trang mạng xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập hình ảnh những người đàn ông mặc váy xuống đường ở các khu vực trung tâm tại Instanbul và Ankara để tưởng nhớ Ozgecan Aslan (20 tuổi) và đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đây là lần đầu tiên đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ căm phẫn và tỏ thái độ quyết liệt như thế để bảo vệ phụ nữ nước mình. Nữ sinh viên Ozgecan đã bị bắt cóc vào ngày 11/2 trên đường về nhà. Ngày 13/2, cảnh sát phát hiện thi thể Aslan bị thiêu và vứt xuống con sông của thành phố. Aslan bị quấy rối tình dục, đánh đập thậm tệ, sau đó bị đâm và đốt chết. Luật sư và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Hulya Gulbahar cho biết, định kiến của xã hội từ lâu mặc định chiếc váy của phụ nữ chính là cái cớ để họ bị cưỡng bức. Vì thế, hình ảnh những người đàn ông mặc váy là để truyền thông điệp: “Chiếc váy không phải là lý do mà tôi bị quấy rối, cưỡng bức”.

Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tổ chức phụ nữ LHQ, cứ năm phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ thì có hai người bị bạo lực tình dục hoặc bạo lực thể chất. Trung bình có năm phụ nữ bị sát hại mỗi ngày. Ở quốc gia mà những người điều hành cho rằng không có chuyện nam nữ bình đẳng, vì phụ nữ là tặng vật Thượng đế dành cho đàn ông, thì cuộc đấu tranh bảo vệ nữ quyền càng khó thực hiện. Cuộc biểu tình váy ngắn được đánh giá cao vì tính biểu trưng của nó. Quan trọng hơn, nó xuất phát từ những người đàn ông - một nửa còn lại của thế giới vốn góp phần quyết định họ sẽ mang đến nụ cười hay nước mắt cho người phụ nữ mình yêu thương.

THIÊN NHƯ
(Theo India Today, Telegraph, CNN)

www.phunuonline.com.vn

Afghanistan, Ozgecan Asian, burqa, bình đẳng, nữ quyền, đàn ông mặc váy


© 2021 FAP
  634,296       1/732