PN - Việc cấm các phần tử Hồi giáo cực đoan làm việc với trẻ em mà không bị giám sát là một biện pháp trong chiến lược mới chống nguy cơ cực đoan của chính phủ Anh.
Chiến lược mới của chính phủ dường như đã phát huy hiệu lực - Ảnh: BBC/Getty Images
Báo Telegraph cho biết một tài liệu của Bộ Nội vụ bị rò rỉ cũng cho thấy các tòa án Hồi giáo và hội đồng Sharia cũng là những vấn đề đáng chú ý.
Nhân viên trung tâm giới thiệu việc làm cũng được yêu cầu nhận diện những người học dễ bị tổn thương và có thể trở thành mục tiêu tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Nicky Morgan cho biết, bà "quan ngại về những gì có thể được giảng dạy trong một số trường học của chúng ta".
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết chính phủ "ngày càng nhận thức được" sự cần thiết phải giải quyết các phần tử cực đoan trong nước, vốn là lực lượng hậu thuẫn cho những kẻ khủng bố. Ông nói thêm, đây không phải chỉ là những người phạm pháp có hành vi bạo lực.
Chiến lược mới của chính phủ trong việc việc giải quyết chủ ngĩa cực đoan đã phát huy hiệu lực của nó.
Tài liệu của chính phủ Anh đề xuất một loạt các biện pháp mới, bao gồm thắt chặt các quy định về quyền công dân để đảm bảo người dân mới theo đuổi "các giá trị Anh". Theo đó, chính phủ cần phải "quyết đoán hơn" trước các thách thức chống lại các giá trị dân chủ từ phía các phần tử cực đoan.
Chiến lược mới cũng đề nghị xem xét độc lập các tòa án Sharia hoạt động theo luật Hồi giáo.
Phát biểu với chương trình Murnaghan trên kênh truyền hình Sky News, Bộ trưởng Morgan nói rằng bà không bình luận gì về các tài liệu bị rò rỉ, nhưng cho biết thông điệp mà những người trẻ tuổi nhận được trong và ngoài trường học là rất quan trọng, và có những quan ngại về một số diễn giả được mời.
Tài liệu mới xuất hiện và thu hút sự chú ý sau vụ ba nữ sinh Anh bỏ nhà đi đến Syria, dường như là để gia nhập nhóm IS, và “chiến binh thánh chiến John” được xác định là Mohammed Emwazi, một công dân Anh từng học ở khu Tây London.
QUẾ LÂM
(Theo BBC, CNA)
Anh, nguy cơ cực đoan, khủng bố