Thế giới

Tết Nguyên đán của người Trung Quốc

PN - Tết ở Trung Quốc rơi ngày vào mùng một tháng Giêng Âm lịch, được chuẩn bị trước đó hàng tháng và chính thức kết thúc vào mùng năm tháng Giêng.

Có thể nói, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Trung Quốc nói riêng, trong đó có người Hồng Kông, Đài Loan, và người phương Đông nói chung.

Theo truyền thuyết, vào một ngày cách nay hơn 4.000 năm, vua Thuấn sau khi trở thành hoàng đế của Trung Quốc cổ đại, đã dẫn dắt thuộc hạ của mình cúng tế trời đất. Từ đấy, mọi người xem ngày này là ngày đầu tiên của mỗi năm, đó chính là ngày mùng một tháng Giêng. Và cũng từ ngày ấy, cứ đến ngày mùng một tháng Giêng hàng năm, mọi người lại tổ chức nhiều hoạt động tưng bừng để chào đón ngày đầu năm. Các hoạt động diễn ra càng về sau này càng trọng thể, thời gian diễn ra mỗi lúc một dài, cuối cùng hình thành nên ngày Tết đón Năm mới như ngày nay.

Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp năm cũ, nhiều hoạt động đã diễn ra và kéo dài đến ngày rằm tháng Giêng Năm mới. Khoảng thời gian này được gọi là “đón Tết”. Trong quãng thời gian này, người Hán cùng với các dân tộc thiểu số trên đất nước Trung Quốc đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để đón Tết. Do người Trung Quốc chủ yếu theo Phật giáo nên cúng tế luôn được xem là hoạt động cơ bản nhất. Mọi người cúng tế tổ tiên, trời đất để cầu mong được sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và tài lộc sẽ đến với gia đình mình.

Ngày 23 tháng Chạp là Tết Ông Táo. Ông Táo được xem là vị “thần bếp”, vì vậy, cả gia đình đều phải tham gia vào nghi thức tế. Ngày 24 tháng Chạp là ngày quét dọn, lau chùi nhà cửa. Tất cả các thành viên già trẻ lớn bé trong gia đình đều tất bật dọn dẹp để nhà cửa thêm đẹp vào ngày Tết. Công việc này không đơn thuần chỉ là quét dọn, mà nó còn bao hàm xua tan bụi bặm, xua những điều xấu trong năm cũ. Những người tham gia vào công việc này đều hy vọng sẽ được may mắn trong năm tới.

Bữa ăn tối đêm giao thừa luôn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người Trung Quốc. Nó không chỉ là bữa cơm đoàn tụ gia đình để đón chào Năm mới, mà chủ yếu là bầu không khí ấm cúng sum họp của gia đình. Mặc dù bữa cơm đoàn tụ ngày Tết đã được chuẩn bị từ mấy ngày trước, nhưng phần lớn các món ăn chính sẽ được chế biến ngay vào ngày cuối năm để cả nhà cùng thưởng thức.

Ngày năm tháng Giêng mọi nhà đều đón Táo Thần giáng thế. Nhang khói vẫn duy trì liên tục từ giao thừa cho đến ngày đó và cúng Táo Thần từ sáng sớm, xong gỡ các loại giấy treo ngoài cửa đem đốt. Hết Tết, nhưng vui chơi, du xuân, thăm thú bè bạn thì vẫn tiếp tục cho đến ngày rằm tháng Giêng. Người Trung Quốc có câu tục ngữ: “Uống xong ly rượu Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) là lúc bắt tay vào công việc”.

PHONG NHA
(Theo Imagine China, Cnto.org, Wikipedia)
 

www.phunuonline.com.vn

Tết Trung Quốc, Năm mới, Tết Nguyên đán


© 2021 FAP
  637,809       1/448