PN - Trung Quốc có khái niệm “di dân mùa xuân” nhằm chỉ cuộc di chuyển lớn nhất trong năm, đúng lúc mọi người trở về đón năm mới bên bố mẹ, vợ chồng, con cái tạm quên nỗi lo toan “cơm áo gạo tiền” đeo bám cuộc sống thường nhật.
Sau một năm học hành căng thẳng, vất vả mưu sinh ở những đô thị lớn, cái Tết không có người thân bên cạnh luôn là nỗi niềm trăn trở của những ai sống xa nhà. Sum họp, đó là ước muốn rất gần nhưng có khi lại rất xa.
Một em bé cũng tham gia “cuộc di dân mùa xuân” ở Trung Quốc - Ảnh: Windsor Star
Wen Liang, sinh viên năm nhất tại Đại học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) ngậm ngùi đón cái Tết xa nhà đầu tiên trong đời vì không đủ tiền mua vé xe. Nhà Liang ở vùng núi xa xôi thuộc tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc. Cậu cố nén lòng để tranh thủ làm thêm, kiếm tiền, dành dụm cho đường về nhà vào mùa xuân tới. Nhiều sinh viên cùng hoàn cảnh như Liang, tìm niềm vui bên những người bạn để quên đi nỗi nhớ nhà.
Người dân Trung Quốc vui mừng vì đã có được vé xe kịp về nhà ngày Tết - Ảnh: Blogspot
Từng có một thời sinh viên khó khăn như thế, anh Wang Haibin (34 tuổi) nay đã có gia đình nhỏ của riêng mình, luôn nhắc nhở bản thân dù làm gì, dịp cuối năm phải là thời khắc dành cho gia đình. Anh và vợ là chị Li Youlan (32 tuổi) đều là con một. Năm nay, như những năm trước, gia đình anh chị lại cố gắng sắp xếp chia đôi thời gian, tranh thủ trở về thành phố Trùng Khánh cũng như Sơn Đông, quê hương của cả hai.
Vượt qua được cổng soát vé tại một nhà ga ở Bắc Kinh là cả một hành trình gian nan - ẢNH: AFP
Nghĩ đến cảnh chen chúc, chờ đợi mệt mỏi ở sân bay, nhà ga, cả hai đều ngán ngẩm, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc bé gái đầu lòng của họ được dịp về thăm ông bà nội ngoại. Vợ chồng họ rời xa bố mẹ lên Bắc Kinh lập nghiệp đã nhiều năm. Điều họ lo lắng nhất là không biết bố mẹ ở quê nhà có được chăm sóc chu đáo hay không. Dù chỉ được gặp ông bà cụ vài ngày ngắn ngủi trong năm nhưng với đôi vợ chồng trẻ này, đó là khoảng thời gian quý báu nhất vì khi ấy, họ được tận tay phụng dưỡng bố mẹ.
Giấc ngủ vội của một hành khách đã chờ quá lâu tại một nhà ga ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Không chỉ hướng về đấng sinh thành, người lao động ở thành thị còn tìm mọi cách trở về nhà cho thỏa nỗi nhớ mong những đứa con bé bỏng của mình. Anh Zhong-hua cùng vợ từ giã ngôi làng nghèo khó ở tỉnh Hồ Nam để lên thành thị kiếm sống đã nhiều năm nay. Vì hoàn cảnh, họ phải gửi con trai chỉ hơn một tuổi cho ông bà chăm sóc. Nỗi nhớ con cồn cào, ray rứt là động lực để họ miệt mài làm việc, dành dụm tiền gửi về cho gia đình, cuối năm họ mới có thể về với con.
Cảnh chen chúc để có một chỗ trống để về nhà - Ảnh: CNN
Theo số liệu mới nhất mà chính quyền Trung Quốc công bố, có đến 61 triệu trẻ em bị bố mẹ bỏ lại quê nhà khi họ lên thành phố làm ăn. Nghĩa là, có khoảng 40% trẻ dưới 17 tuổi ở nông thôn (tương ứng 21,7% trẻ ở Trung Quốc) phải sống xa bố mẹ. Người lao động nông thôn lên thành thị kiếm sống lại không có hộ khẩu để đưa con về sống chung, lo cho con ăn học tử tế. Phần lớn những đứa trẻ này chỉ có thể sum họp một nhà cùng bố mẹ vào dịp Tết. Bình thường, các em sống cùng ông bà, những người thân còn lại và chỉ biết đến bố mẹ qua những cuộc điện thoại bất chợt.
Một người đàn ông lỉnh kỉnh hành lý chuẩn bị rời nhà ga ở Thượng Hải để về nhà - Ảnh: AFP
Tao Ran, chuyên gia về các vấn đề nông thôn, hiện làm việc tại Đại học Renmin (Bắc Kinh) nhận định, chính phủ Trung Quốc đang gắng sức tạo sự cân bằng trong điều kiện sinh sống và làm việc giữa nông thôn và thành thị, chủ yếu bằng biện pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thêm việc làm ở vùng nông thôn. Theo ông Tao Ran, khoảng cách giữa hai khu vực này khá lớn, khiến người dân từ những vùng nghèo khó chỉ có một lựa chọn là rời xa quê, tìm việc làm ở các thành phố lớn. Hệ lụy kéo theo là những đứa trẻ ở nông thôn bị bỏ rơi, mối quan hệ gia đình bị chia cắt, lỏng lẻo vì áp lực mưu sinh…
Dòng người dày đặc đợi mua vé xe về Tết - Ảnh: WSJ
Với những người lao động xa nhà, cơ hội về nhà ăn Tết cũng là đích đến duy nhất trong năm cho họ nỗ lực “cày bừa” và hy vọng. Trung Quốc có khái niệm “di dân mùa xuân” nhằm chỉ cuộc di chuyển lớn nhất trong năm, đúng lúc mọi người trở về đón năm mới bên bố mẹ, vợ chồng, con cái tạm quên nỗi lo toan “cơm áo gạo tiền” đeo bám cuộc sống thường nhật.
Hành khách chờ đợi mòn mỏi tại một cổng soát vé ở nhà ga tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán này, các phương tiện giao thông công cộng đường bộ Trung Quốc sẽ vận chuyển khoảng 2,8 tỷ lượt người, tăng 3,4% so với năm 2014. Đó là chưa kể những người sử dụng xe buýt công cộng, xe taxi hoặc xe cá nhân cũng như 295 triệu lượt di chuyển bằng đường sắt và 47,5 triệu lượt bằng đường hàng không. Cuộc di chuyển ồ ạt này kéo dài khoảng 40 ngày trước và sau Tết. Dẫu biết phải chờ đợi mòn mỏi cho chuyến hành trình gian nan trong cảnh chen chúc rã rời giữa biển người, mọi người vẫn hồ hởi đếm ngược đến ngày trở về. Với họ, không hạnh phúc nào bằng về nhà ăn Tết.
Ở các quốc gia châu Á cùng đón Tết Nguyên đán giống Trung Quốc như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Mông Cổ, những người con sống xa nhà cũng rậm rịch chuẩn bị đoàn tụ cùng gia đình, tận hưởng năm mới với hy vọng mới. Trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, hòa mình cùng nếp nhà thân thuộc là giấc mơ không của riêng ai giữa tiết trời vào xuân quá đỗi thiêng liêng này.
THIÊN NHƯ
(Theo Washington Post, Le Monde, Reuters)
di dân mùa xuân, Trung Quốc, xe lửa, sum họp, tết, người nhập cư