PN - Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) hiện phải “chịu trận” trước sức công phá dữ dội từ “lão bà” Dianne Feinstein (81 tuổi), Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Hoa Kỳ.
Trước sự thật mà chính mình phải gọi là “vết nhơ” đối với lịch sử nước Mỹ, bà Dianne Feinstein khẳng định: “Nước Mỹ đủ lớn mạnh để thừa nhận sai lầm và đủ tự tin để học hỏi từ những sai lầm của mình”. Lúc này, nhiều đồn đoán về việc bà Feinstein tung ra quả bom nổ chậm liên quan đến CIA như là sự lóe sáng trước khả năng bà “về hưu” ở mùa bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, ông Dan Schnur, người đứng đầu Học viện chính trị Jesse M.Unruh (thuộc Đại học Nam California) cho rằng, uy tín của nữ chính trị gia có “bề dày” ở Thượng viện 22 năm này không hề giảm sút. Feinstein được biết đến như một người hòa giải ở Thượng viện, một người có thể tìm tiếng nói chung giữa các bên. Nhưng, có những vấn đề, bà nhất định không thỏa hiệp mà sẵn sàng chiến đấu. Điều này, hẳn đã bộc lộ phần nào qua việc Ủy ban tình báo Thượng viện do bà Feinstein làm chủ tịch đã đưa ra công luận một sự thật khác về hoạt động của CIA qua báo cáo nêu trên.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Mỹ, bà Dianne Feinstein - Ảnh: Reuters
Dianne Feinstein sinh ngày 22/6/1933 ở San Francisco (California) và gắn bó với quê nhà trong suốt sự nghiệp chính trị. Năm 16 tuổi, một người chú đưa Feinstein đến các cuộc họp của ban kiểm soát thuộc hội đồng thành phố San Francisco. Đó là yếu tố chính giúp bà quyết định dấn thân vào chính trường để phục vụ cộng đồng.
Bên cạnh sự nghiệp chính trị nhiều thành tựu, bà Dianne Feinstein chịu không ít thăng trầm trong đời sống riêng. Một năm sau khi tốt nghiệp ngành lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học Stanford, vào năm 1956, Feinstein kết hôn với Jack Berman. Họ có với nhau một con gái, nhưng nhanh chóng ly hôn sau ba năm chung sống. Năm 1960, bà Feinstein đi bước nữa với bác sĩ phẫu thuật Bertram Feinstein. Để rồi bà lại “một mình” vào năm 1978, khi ông Bertram qua đời vì bệnh ung thư. Năm 1980, bà kết hôn lần thứ ba và đến nay vẫn sống cùng người chồng này - nhà đầu tư ngân hàng Richard Blum.
Năm 1978 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của bà Dianne Feinstein. Năm ấy, bà Feinstein sớm ủng hộ mạnh mẽ ứng cử viên tổng thống Jimmy Carter, nhưng khi ông Carter đặt chân vào Nhà Trắng, bà lại thất bại trong việc tìm được một ghế trong nội các mới này. Quá thất vọng cả về sự nghiệp lẫn cái chết của cha và người chồng thứ hai, cộng với sức khỏe sa sút, bà quyết định kết thúc sự nghiệp chính trị. Thế nhưng, vào ngày định mệnh 27/11/1978, hơn một giờ trước khi bà Feinstein họp báo để công khai quyết định này, Thị trưởng San Francisco George Moscone (1929-1978) đột ngột bị ám sát, bà Feinstein phải gánh trọng trách quyền thị trưởng. Một năm sau, bà chính thức trở thành nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố San Francisco và được tín nhiệm bầu chọn ở trọng trách này cho đến năm 1988.
Năm 1992, bà Feinstein trở thành nữ thượng nghị sĩ đầu tiên của bang California, và được tín nhiệm để liên tục làm việc ở Thượng viện Hoa Kỳ.
Với vai trò Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, cùng bản báo cáo chấn động về CIA dịp này, bà Dianne Feinstein vừa tạo dấu ấn mới trong “di sản” chính trị của mình: “Lịch sử sẽ phán xét chúng tôi bằng chính cam kết của chúng tôi về một xã hội được điều chỉnh bằng luật pháp cũng như sẵn sàng đối mặt với sự thật “xấu xí” để có thể nói rằng “không bao giờ như vậy, một lần nữa”.
VĨNH LINH (Theo CNN, Politico, Wall Street Journal, World Biography)
CIA, Dianne Feinstein, nữ sát thủ