PNO - Luật bí mật quốc gia của Nhật Bản (được thông qua vào tháng 12/2013) chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12, nhưng hàng trăm người đã xuống đường phản đối.
Người biểu tình phản đối đạo luật bí mật quốc gia - Ảnh: Getty Images
Đạo luật trên được cho là nghiêm khắc để chính quyền Nhật Bản kiểm soát những thông tin nhạy cảm của đất nước và cũng là cách hạn chế quyền tự do báo chí.
Hàng trăm người biểu tình Nhật Bản đổ xuống đường phố Tokyo để phản đối đạo luật. Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, luật này là cần thiết để các đồng minh của Nhật Bản (trong đó Mỹ đóng vai trò hàng đầu) tin tưởng, chia sẻ những thông tin tình báo, an ninh quan trọng cho Nhật Bản.
Ngay sau khi luật có hiệu lực thì nó cũng được áp dụng đối với 460.000 văn bản được xếp vào nhóm bí mật quốc gia, không thể tiết lộ.
Theo luật này, bất cứ nhân viên chính phủ hoặc cá nhân nào để lộ thông tin mật sẽ bị tù lên đến 10 năm. Trong khi đó, nhà báo và những ai khuyến khích, bắt tay hợp tác để xảy ra các vụ rò rỉ thì cũng sẽ bị tù cao nhất là 5 năm.
Luật cũng quy định rằng khoảng thời gian 5 năm ban đầu đối với bí mật quốc gia có thể được kéo dài lên tới 30 năm, dựa theo quyết định của các bộ trưởng và những người đứng đầu các cơ quan quản lý khác. Nếu muốn kéo dài thời gian của bí mật hơn 30 năm thì cần phải có sự thông qua của nội các. Mọi bí mật quốc gia đều được công bố sau 60 năm kể từ khi được xác định là bí mật, trừ một vài ngoại lệ.
Chính phủ Nhật Bản cùng ngày đã thiết lập một cơ quan để kiểm tra liệu việc xác định bí mật có phù hợp hay không. Cơ quan này do Chánh văn phòng nội các đứng đầu, gồm các thứ trưởng các bộ là thành viên.
THIÊN ANH
(Theo Kyodo News, NHK)
Nhật Bản, luật bí mật quốc gia, tình báo, tự do báo chí