PN - Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA), tức Quốc hội lâm thời của Thái Lan vừa phê chuẩn bước đầu dự luật cấm kinh doanh mang thai hộ.
Thành viên NLA Chet Siratharanon cho biết, dự luật được thông qua sau lần điều trần đầu tiên; phiên bản cuối cùng, hoàn thiện, sẽ sẵn sàng đệ trình trong 30 ngày tới.
Sau khi tiến hành đảo chính quân sự tháng 5/2014, chính phủ lâm thời Thái Lan tuyên bố sẽ cấm mang thai hộ thương mại và trừng phạt những kẻ vi phạm với mức án lên đến 10 năm tù. Thái Lan là một trong số ít các quốc gia ở châu Á không có luật cấm kinh doanh mang thai hộ.
Hội đồng Y tế Thái Lan (MCT) từng có một quy định rằng, bác sĩ không được giúp thực hiện việc đẻ thuê kiếm tiền nếu không muốn bị tịch thu giấy phép hành nghề. Nhưng, hình phạt hiếm khi được thực thi và còn lỗ hổng khó giám sát, vì không có quy định liên quan đến các cơ sở thực hiện việc đẻ thuê hay phụ nữ mang thai hộ.
Vì thế, Thái Lan mặc nhiên trở thành điểm đến của các cặp vợ chồng người Úc, Hồng Kông và Đài Loan muốn có con với chi phí thấp chỉ bằng một phần ba so với Mỹ. Chi phí có một đứa con nhờ mang thai hộ ở Thái Lan chưa đến 50.000 USD, trong khi ở Mỹ phải tốn kém gấp ba lần (khoảng 150.000 USD).
Cặp vợ chồng Úc, David và Wendy Farnell, đưa bé gái sinh đôi khỏe mạnh về nước, bỏ lại Gammy bị hội chứng Down - Ảnh: AP
Bê bối mang thai hộ tại Thái Lan thực sự thu hút sự quan tâm của thế giới từ trung tuần tháng Tám, sau khi hãng truyền thông Úc ABC đưa tin bốn cặp vợ chồng đến từ Mỹ và Úc không được phép đưa trẻ sơ sinh do mang thai hộ rời Thái Lan. Thời điểm đó, chính quyền Bangkok mở chiến dịch tấn công dịch vụ mang thai hộ thương mại ở nước này. Sau đó gần một tuần, Interpol phát động một cuộc điều tra đa quốc gia vụ “nhà máy sản xuất trẻ em”, khi doanh nhân Nhật Bản sống tại Hồng Kông Mitsutoki Shigeta (24 tuổi) là cha của 16 trẻ sơ sinh ra đời do mang thai hộ, anh này cũng có nguyện vọng làm cha của hàng trăm đứa trẻ khác. Xét nghiệm ADN của Shigeta chứng thực anh ta chính là người cha sinh học của ít nhất 16 trẻ sơ sinh ở Thái.
Vì nghèo, nhiều phụ nữ Thái Lan chấp nhận việc mang thai hộ. Có khi “thương vụ” này kết thúc suôn sẻ, nhưng cũng không ít trường hợp trục trặc, khiến cho mọi việc trở nên nan giải. Đó là trường hợp của Pattaramon Chanbua, cô gái 21 tuổi, kiếm sống bằng xe bán hàng rong trên đường phố Bangkok. Qua một đường dây môi giới, Chanbua thỏa thuận mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người Úc. Rắc rối xảy ra khi thai đôi được bảy tháng, bác sĩ cho biết một thai mắc hội chứng Down và đề nghị Chanbua phá bỏ cái thai đó, chỉ giữ lại thai lành lặn. Là một Phật tử, Chanbua từ chối lời khuyên của phòng khám cũng như bên môi giới. Khi Chanbua sinh đôi, chỉ có bé gái khỏe mạnh, còn bé trai mắc hội chứng Down. Thế là cặp vợ chồng người Úc mang con gái về nước, bỏ lại bé trai. Chanbua từ chối giao bé trai cho các tổ chức từ thiện, đặt tên bé là Gammy và quyết định “nuôi Gammy như con ruột”. Vụ việc gây chấn động dư luận Úc, cho thấy “mặt trái” của việc mang thai hộ.
Đức và Pháp đều cấm dịch vụ mang thai hộ, trong khi ở Mỹ quyền quyết định thuộc về luật từng bang. Tuy nhiên, ở bất cứ nước nào, việc cho phép mang thai hộ cũng kèm theo những hạn chế nhất định.
CẨM HÀ (Theo Bangkok Post, AFP, Guardian)
đẻ thuê, mang thai hộ, Thái Lan, Gammy, Down, cấm mang thai hộ