PNO – Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông bước sang tuần thứ tư mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù đàm phán giữa những người biểu tình và chính quyền đặc khu đã được ấn định vào ngày mai (21/10).
Cảnh sát Hồng Kông tập trung để đối phó với người biểu tình tại Mong Kok - Ảnh: SCMP
Hàng chục người đã bị thương trong hai đêm đụng độ bắt đầu cuối ngày thứ Sáu tại khu dân cư đông đúc quận Mong Kok, trong đó có 22 cảnh sát. Bốn người biểu tình đã bị bắt rạng sáng Chủ nhật, theo nguồn tin của cảnh sát. Đến sáng 20/10, khu vực này đã yên tĩnh trở lại, mặc dù nhiều người biểu tình vẫn ở lại trên đường phố.
Hy vọng làm dịu bớt cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất tại Hồng Kông kể từ ngày lãnh thổ này được Anh trả về cho Trung Quốc năm 1997 là điều được chờ đợi tại cuộc đàm phán dự kiến vào ngày mai giữa lãnh đạo chính quyền đặc khu và thủ lĩnh biểu tình của sinh viên. Cuộc đàm phán sẽ được phát sóng trực tiếp.
Tuy nhiên, người ta ít mong đợi về bất kỳ một giải pháp chung nào vì hai bên khác biệt ý kiến sâu sắc về cách thức bầu lãnh đạo kế tiếp của Hồng Kông vào năm 2017. "Trừ khi có một bước đột phá trong đàm phán vào ngày mai, nhưng tôi lo lắng chúng ta sẽ phải chứng kiến sự bế tắc trở nên tồi tệ và bạo lực”, Giáo sư Sonny Lo tại Viện Giáo dục Hồng Kông cho biết.
Những người biểu tình ở Mong Kok rạng sáng 20/10 - Ảnh: Reuters
Những người biểu tình muốn bầu cử tự do, nhưng chính quyền trung ương Trung Quốc khẳng định trước hết cần sàng lọc các ứng cử viên. Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh, người được Bắc Kinh hậu thuẫn, cho biết chính quyền thành phố không muốn nhượng bộ người biểu tình về các hạn chế Trung Quốc mới công bố cuối tháng Tám vừa qua.
Sau khi bác bỏ việc từ chức theo yêu sách của những người biểu tình, ông Lương hôm Chủ nhật nói với kênh truyền hình ATV rằng cần có thời gian tiến hành trung gian hòa giải để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng một cách bất bạo động.
Lực lượng cảnh sát 28 ngàn người của Hồng Kông đã phải vất vả đối phó với ba tuần biểu tình - do thanh niên, sinh viên làm hạt nhân - ở trung tâm Hồng Kông và các quận dân cư đông đúc ở đặc khu.
Tình hình ở Hồng Kông đã nổi lên trong các cuộc đàm phán cuối tuần qua giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Boston (Mỹ). Hai bên đã thảo luận thẳng thắn về vấn đề nhân quyền, và một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Dương đã nói với Ngoại trưởng Kerry rằng Hồng Kông “hoàn toàn là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
VIỆT HƯNG
(Theo Reuters, SCMP)
Hồng Kông, biểu tình, Mong Kok, đàm phán