PNO - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây công bố ước tính tỷ lệ thất nghiệp của Úc là 6,2% trong năm 2014 và 6,1% trong năm 2015. Tỷ lệ này được cho là cao thứ hai trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ sau Philippines...
Người lao động Úc thất nghiệp đứng trên làn đường cho người đi bộ để bày tỏ “hoàn cảnh” - Ảnh: AAP
IMF còn dự đoán tăng trưởng kinh tế của Úc trong năm 2014 và 2015 là 2,8% và 2,9%. Đây là mức thấp hơn so với mức trung bình cần thiết (3,25%) để vực dậy nền kinh tế, tạo cơ hội việc làm.
Điều đáng chú ý, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ở độ tuổi từ 15 - 24 hiện ở mức 12,3%, nhiều gấp đôi so với mức thất nghiệp chung. Thậm chí, tại Cairns, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tăng 88 % trong hai năm, còn ở phía Nam và phía Tây thủ phủ Brisbane, tỷ lệ này là hơn 60%. Trong khi đó tại khu vực Sydney Hills tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tăng 73 % và ở miền Đông Melbourne tỷ lệ này là gần 50%. Giới chuyên môn của Úc cho biết, vấn đề thất nghiệp nơi giới trẻ xuất phát từ việc các sinh viên, học sinh tốt nghiệp mà thị trường lao động không có đủ công việc để họ làm. Tính cạnh tranh trong công việc quá cao khi lực lượng lao động tại đây không chỉ có người bản địa. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, nạn thất nghiệp của giới trẻ ở Úc tiếp tục tăng đến khoảng từ 20-35% trong vòng hai hoặc ba năm tới.
Tháng Bảy vừa qua, Bộ Lao động Úc cho biết, chính phủ liên bang sẽ thực hiện gói hỗ trợ trị giá 5,1 tỷ USD để giúp đỡ người thất nghiệp nhận trợ cấp. Theo đó, để đủ điều kiện hưởng trợ cấp, những người thất nghiệp buộc phải chứng minh họ đã gửi ít nhất 40 đơn xin việc mỗi tháng và tất cả đơn này đều bị từ chối - như thế để chứng tỏ họ có mong muốn được làm việc. Những người thất nghiệp dài hạn dưới 30 tuổi và có tình trạng sức khỏe tốt sẽ phải làm việc thiện nguyện ít nhất 25 giờ/tuần. Những người trong độ tuổi từ 30-50 hoặc dưới 30 nhưng không có đủ sức khoẻ sẽ chỉ làm việc thiện nguyện 15 giờ/tuần. Theo ông Hartsuyker, làm việc thiện nguyện tạo cơ hội cho người tìm việc được đóng góp vào cộng đồng, đồng thời cũng học được những kỹ năng mới.
Frances O'Brien (24 tuổi), tốt nghiệp đại học cuối năm 2012 cùng lúc hai bằng về môi trường và luật, cô chia sẻ con đường tìm việc khá lận đận của mình, dù khi còn ở ghế nhà trường, cô rất tích cực tham gia thực tập, làm thêm để tìm kiếm cơ hội. Câu trả lời cô thường xuyên phải nghe là: “Xin lỗi, cô không phù hợp với công việc vì không đủ kinh nghiệm”. Frances chia sẻ: “Nếu chúng tôi không xin được việc thì làm sao có được kinh nghiệm. Đó chỉ là câu trả lời cho qua. Một người bạn làm trong ngành tuyển dụng nhân sự nóivới tôi, các nhà tuyển dụng ngày nay chẳng buồn ngó đến hồ sơ mà đã gạt chúng qua một bên”. Frances từng thực tập cho một tổ chức từ thiện của Trung Quốc ở Úc. Thời gian đó, cô đã tận dụng cơ hội để học tiếng Trung Quốc. Giờ đây, để chờ cho đến khi có được việc làm, Frances nhận dạy tiếng Trung Quốc và cô đang có ý định đến Trung Quốc dạy tiếng Anh – dù sao như vậy cũng dễ tìm việc hơn là ở lại quê nhà.
Một thực tế khác tồn tại ở Úc là không chỉ tình trạng thất nghiệp tăng mà người lao động Astralia còn phải chịu cảnh thiếu việc làm, giờ làm không đủ với nhu cầu được lao động của họ. Theo khảo sát của Cục Thống kê Úc, có 817.200 người làm việc bán thời gian hiện thiếu giờ làm, hơn 58.000 người làm việc toàn thời gian nhưng vẫn bị cắt giảm giờ làm.
Theo tổ chức Youth Action của New South Wales, nguyên nhân của tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay là do thiếu hụt về phương tiện giao thông và sự giảm thiểu của các nghề lao động chân tay ở khu vực này. Việc áp dụng các hình thức tự động hóa khiến người lao động khó có cơ hội tiếp cận được công việc. Trong khi đó, từ phía nhu cầu của nhà tuyển dụng , các công ty rất chú trọng tới giáo dục, bằng cấp và đặc biệt là kinh nghiệm làm việc của nhân viên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
THIÊN ANH
(Theo abc.net.au, Guardian, AAP)
Úc, thất nghiệp