PNCN - Xin con nuôi từ các nước châu Á đang là lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn phương Tây, nhưng việc nhận nuôi đứa bé đã nhiễm HIV hiếm khi xảy ra.
Là phóng viên ảnh ở Texas, Jenn Mosher từng làm phóng sự về các trại mồ côi dành cho những đứa trẻ mà mẹ chúng mất vì AIDS. Tại Mỹ, Anh và nhiều nước, luật pháp không bắt buộc người mang HIV hoặc phụ huynh của học sinh có HIV phải thông báo với nhà trường.
Jenn và chồng nhận con nuôi sau khi biết về những gì tổ chức từ thiện Elim Kids and Positively Adopted đã làm với mục đích giúp trẻ có HIV sống tích cực với gia đình nhận nuôi mình.
Con nuôi của Jenn bị truyền HIV từ mẹ ruột ở Trung Quốc (TQ). Thuốc điều trị HIV quá mắc ở một số nước, nhưng đã được phát miễn phí tại TQ. Tuy nhiên, mẹ đứa bé đã không sử dụng các loại thuốc này vì sợ người thân, bạn bè hắt hủi khi biết mình có bệnh. Đó cũng là tình trạng của nhiều người mẹ có HIV khác. Hầu hết những đứa bé sau khi cha mẹ mất vì HIV sống ở các trại mồ côi vì rất ít cặp vợ chồng muốn nhận nuôi. Chính quyền TQ cũng không muốn người nước ngoài nhận nuôi những đứa trẻ này.
Những đứa trẻ ở nhà trẻ này được đối xử như nhau vì chẳng ai biết chúng có HIV hay không - Ảnh: Daily Mail
Khi Jenn và chồng tìm lời khuyên của một nhân viên làm công tác xã hội tại địa phương, người đó nói: “Đừng kể chuyện này với ai. Có quá nhiều người thành kiến căn bệnh này. Con của chị đã hòa hợp với cuộc sống và cộng đồng tại đây”. Người đó còn cho biết, con của Jenn được luật pháp bảo vệ nên vợ chồng chị không phải thông báo điều gì về tình trạng sức khỏe của bé với bất cứ ai ngoài bác sĩ và nha sĩ riêng.
Nhưng, Jenn và chồng chọn giải pháp mà họ cho là thích hợp nhất. Họ nói với con nuôi là có một con rồng trong máu nên phải thường xuyên được chích thuốc để con rồng này… mãi mãi ngủ yên. “Con tôi rất thích câu chuyện này, thậm chí còn kể cho các bạn nghe để giải thích tại sao mình phải thường xuyên đến bệnh viện”, Jenn nói.
Cùng với thời gian, Jenn cảm nhận “HIV không đáng sợ” và quyết định đưa câu chuyện của mình lên mạng xã hội cùng với lời nhắn nhủ đó. Trước đây, Jenn luôn giữ kín tình trạng sức khỏe của con vì không muốn bé bị bạn bè phân biệt đối xử. Bây giờ cô nói: “Con tôi chơi chung với các bạn trong trường một cách bình thường và không ai biết điều đó”. Tại trường mẫu giáo, con gái của Jenn chia sẻ thức ăn, nước uống với các bạn, cùng chơi đùa ở bể bơi, sinh hoạt chung trong giờ thể dục… Mọi thứ đều tốt, bạn học đối xử với con của Jenn như mọi đứa trẻ khác.
Cứ bốn tháng một lần, con gái của Jenn lại được thử máu và điều trị để virus HIV không có điều kiện phát triển. HIV không thể lan truyền qua những tiếp xúc thường ngày như ôm, hôn nhau cũng như chia sẻ thức ăn, nước uống.
Khi con trầy xước vì ngã trong lúc đùa nghịch, Jenn lau máu và băng vết thương cho bé mà không hề lo mình sẽ bị lây nhiễm. Nhưng không phải ai cũng có suy nghĩ như cô. Jenn viết ra câu chuyện của mình nhằm xóa bỏ thành kiến nhiều người vẫn dành cho bệnh nhân HIV, cũng như để các bậc cha mẹ khác biết rằng, con của họ không tổn hại gì khi chung lớp với bạn có HIV. “Con gái tôi có thể sẽ hò hẹn với con trai bạn khi chúng ở tuổi teen. Thậm chí, chúng có thể kết hôn. HIV không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ”.
“Điều khó khăn nhất đối với tôi không phải là kiểm soát căn bệnh mà là nỗi lo con mình không được cộng đồng chấp nhận”, Jenn nói.
THIỆN NGA (Theo Independent, Daily Mail)
Elim Kids, HIV, AIDS, Texas, Jenn Mosher, xin con nuôi