PN - Dù chính quyền Hồng Kông đã rút cảnh sát chống bạo động khỏi các điểm nóng ở đặc khu, hàng chục ngàn người biểu tình trong chiến dịch “Chiếm khu trung tâm”
Làn sóng biểu tình ở Hồng Kông bắt đầu từ ngày 22/9, khi hàng ngàn học sinh sinh viên đặc khu tham gia bãi khóa phản đối kế hoạch cải cách bầu cử Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông năm 2017. Đến ngày 28/9, bạo lực nổ ra giữa cảnh sát chống bạo động và hàng chục ngàn người biểu tình ở khu Admiralty.
Đám đông sau đó lan rộng về phía Trung Hoàn, cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán, khiến khu vực này trở nên hỗn loạn. Phát biểu trong cuộc họp báo sáng hôm sau, cảnh sát cho biết tổng cộng 41 người, trong đó có 12 nhân viên cảnh sát, bị thương do xô xát trong các cuộc biểu tình vài ngày qua. Ước tính số người tham gia biểu tình trong ngày 28/9 lên đến 20.000 người, thậm chí SCMP nói là 100.000 người.
Đến ngày 30/9, các trục đường chính tại nhiều địa điểm ở Hồng Kông vẫn còn bị phong tỏa, khi phong trào “Chiếm khu trung tâm” bước sang ngày thứ ba. Nhiều trường học phải đóng cửa, giao thông gián đoạn tại các khu phố vốn nhộn nhịp ở đặc khu. Giao thông thành phố tê liệt nghiêm trọng. Hơn 200 tuyến xe buýt ngưng hoạt động hay phải đổi lộ trình do cuộc biểu tình lan rộng.
Biểu tình ở Hồng Kông - Ảnh: AFP
Nhà chức trách cho biết, tổng cộng có 36 chi nhánh ngân hàng, văn phòng hoặc máy ATM của 20 ngân hàng đặt trong các khu vực người dân biểu tình ngồi, cũng như các cửa hiệu lân cận, tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng địa phương tuyên bố vẫn hoạt động bình thường, còn đồng đô la Hồng Kông giảm giá nhẹ vào giờ mở cửa. Chỉ số chứng khoán Hang Seng (HSI) của Hồng Kông đã giảm điểm mạnh nhất trong hai ngày liền kể từ hồi tháng Hai.
Văn phòng Giáo dục Hồng Kông thông báo đình chỉ buổi học của tất cả trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học và trường đặc biệt ở Wanchai, Trung Hoàn, Trung Tây để bảo vệ sự an toàn của học sinh.
Sự kiện Hồng Kông không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân đặc khu, mà còn tác động tiêu cực tới dòng khách du lịch đến đây. Ngày 30/9, cơ quan ngoại giao nhiều nước tại Hồng Kông, trong đó có Anh, Úc, Italia và Mỹ, đã khuyến cáo công dân nước mình tránh xa các điểm nóng biểu tình.
Một phát ngôn viên của chính quyền hôm 30/9 kêu gọi những người biểu tình đang phong tỏa các con đường hãy mở lối đi cho xe cấp cứu và một phần các dịch vụ giao thông công cộng. Nhà chức trách cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và giải tán một cách hòa bình càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đến ngày 30/9, hàng chục ngàn người biểu tình vẫn trụ lại trên các đường phố trung tâm Hồng Kông. Họ hối hả tích trữ nhu yếu phẩm, dựng thêm chướng ngại vật tạm thời, trong bối cảnh loan truyền tin đồn cảnh sát đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới để tái lập trật tự trước ngày cả nước tổ chức mừng Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1949-1/10/2014).
HÒA NINH (Theo SCMP, Xinhua, AFP, Reuters)
Hồng Kông, biểu tình, phản đối Bắc Kinh, Quốc khánh Trung Quốc, chiếm khu trung tâm