PN - Hàng ngày, “cậu bé” Mehran sống vui vẻ và tự do làm những gì mình thích mà không phải chịu mối bất an luôn ám ảnh những bạn gái cùng trang lứa cũng như phụ nữ trưởng thành
Một "bacha posh" - bé gái phải cải trang thành bé trai để có cuộc sống dễ thở hơn ở Afghanistan
Gần đây, người dân Afghanistan đã quen dần với cụm từ “bacha posh” ngụ ý nói đến những bé gái được gia đình cải trang thành bé trai ngay từ lúc còn rất nhỏ, nhằm giúp em hưởng thụ cuộc sống bình thường như “bọn con trai” - thay vì phải gánh chịu thiệt thòi luôn có thể xảy ra với thân phận nữ nhi ở đất nước còn nặng nề tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” này.
Bố của Mehran là một người thất học. Mẹ em, bà Azita may mắn được gia đình tạo điều kiện cho học ở Đại học Kabul chuyên ngành chính trị. Bố của bà Azita buộc bà phải cưới người chồng là anh họ theo đúng truyền thống của gia đình, bất kể họ rất khác biệt. Hơn ai hết, bà Azita hiểu được nỗi khổ của một phụ nữ không có quyền lựa chọn tương lai của mình. Bà quyết chí dành cho Mehran con đường ít gập ghềnh hơn. Khi Mehran năm tuổi, bố mẹ hỏi, liệu em có muốn trở thành con trai, Mehran ngay lập tức đồng ý.
Thế là, bà Azita cắt tóc Mehran, cho em mặc trang phục của bé trai và dặn dò em hạn chế nói chuyện trước đám đông để không bị phát hiện giới tính thật. Phải che giấu thân phận thật của mình nhưng đổi lại, Mehran được trèo cây, thả diều, được tung tăng đến cửa hàng tạp hóa một mình... trong khi các chị chỉ quanh quẩn ở gần nhà và thường phải trùm khăn khi ra ngoài. Bố của Mehran dù biết con mình đã được cải trang nhưng vẫn tự hào nói: “Trong mắt tôi, Mehran là đứa con trai duy nhất. Ngày mai như thế nào tôi cũng chưa nghĩ đến”.
Mehran đã cải trang thành bé trai, cùng hai chị ruột
Một “bacha posh” khác là Zahra (15 tuổi), đã trở thành “cậu bé” từ năm hai tuổi. Zahra nói: “Mọi người có thể mắng nhiếc thậm tệ một bạn gái bất cứ lúc nào. Khi em thấy điều ấy, em không muốn nghĩ đến việc mình là con gái nữa”. Ước mơ của Zahra là được đến một nơi nào đó để em có thể trở lại là con gái mà vẫn có thể thoải mái sống cuộc đời riêng của mình.
Câu chuyện của cô Shukira (36 tuổi), một “bacha posh” kỳ cựu, khiến nhiều người phải suy nghĩ. Mẹ của Shukira chỉ mới 13 tuổi khi được gả cho bố cô (lúc đó đã 43 tuổi). Hai người anh đầu của Shurika mất khi còn rất nhỏ. Người anh thứ ba may mắn thoát chết sau khi tình nghi là bị người vợ cả của bố mình đầu độc. Vì lẽ đó, mẹ của Shukira muốn ly hôn. Người bố đã đánh mẹ Shukira đến bất tỉnh. Khi Shukira ra đời, người mẹ đã che giấu thân phận con gái mình, ai cũng nghĩ cô bé là con trai. Shukur là tên của Shukira lúc ấy. Nhiệm vụ của cô là bảo vệ anh trai. Khi cô 20 tuổi, thời điểm Taliban nổi dậy và quá tàn bạo, người mẹ buộc phải để lộ thân phận của Shukira và may mắn tìm được một thanh niên trong làng để gả chồng cho con. Chồng của Shukira rất thông cảm với tân nương, vì gia đình anh cũng có một “bacha posh”. Shukira là một trong những trường hợp “bacha posh” hiếm hoi trở về là phụ nữ sau thời gian cải nam trang.
Liên Hiệp Quốc cùng nhiều tổ chức thiện nguyện đã xếp Afghanistan là nơi mà chất lượng sống của phụ nữ và trẻ em gái, gồm cả trẻ sơ sinh, tồi tệ nhất. Ở đất nước này, phụ nữ bị khước từ những quyền cơ bản nhất, từ quyền được bảo vệ bản thân khỏi sự xâm phạm tinh thần lẫn thể xác đến quyền được cấp bằng lái xe, hay quyền được ly hôn… Tuổi thọ trung bình của phụ nữ Afghanistan chỉ vào khoảng 44 tuổi, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
THIÊN ANH (Theo Guardian, New York Post)
bacha posh, Afghanistan, bé gái cải trang thành bé trai, bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ