PN - Bếp ăn cộng đồng DC Central Kitchen, một trong những biểu tượng đẹp mà người Mỹ tự hào đã được kể lại trong quyển sách mới ra mắt, có tựa đề 25 năm DC Central Kitchen:
Năm 1989, khi còn là một tình nguyện viên tham gia chương trình phân phát thức ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn, Robert Egger đã có ý tưởng sáng lập bếp ăn DC Central Kitchen. Bếp ăn cộng đồng nở rộ cuối thập niên 1980 sang thập niên 1990 tại Mỹ. Bếp DC Central Kitchen đặc biệt hơn ở chỗ: dùng thực phẩm thừa nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và còn trong hạn sử dụng để chế biến thành bữa ăn ngon miệng, đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, DC Central Kitchen chủ động thu mua nông sản ở những nông trại nhỏ để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo cơ hội cho nhà nông làm kinh tế. Một chi tiết độc đáo nữa của DC Central Kitchen là đào tạo những đối tượng như người đã cai nghiện, người mới ra tù hoặc thất nghiệp hay bất cứ ai tình nguyện để họ làm việc như những đầu bếp chuyên nghiệp.
Theo khảo sát do chính phủ Mỹ công bố năm 2012, hiện có khoảng 50 triệu người Mỹ phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực, chiếm khoảng 16,7% dân số nước này. Xét riêng tỷ lệ trẻ em chịu cảnh đói nghèo là 25%. Khó có thể ngờ, ở một cường quốc như Mỹ, nạn đói vẫn là nỗi ám ảnh với không ít người.
Học viên của DC Central Kitchen trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: DC Central Kitchen
DC Central Kitchen nâng cao ý thức chia sẻ trong cộng đồng bằng cách đan xen các suất ăn miễn phí và thu tiền. Hàng ngày, bên cạnh 5.000 suất ăn miễn phí mà DC Central Kitchen gửi đến các tổ chức từ thiện, phi lợi nhuận, họ còn bán 5.000 suất ăn cho nhiều trường học ở khu vực, chưa kể họ trở thành kênh phân phối thường xuyên các bữa ăn cho 60 cửa hàng thực phẩm phục vụ đối tượng có thu nhập thấp. Hiện 6% quỹ hoạt động của DC Central Kitchen đến từ khoản bán thức ăn như vừa nêu.
Ngoài ra, DC Central Kitchen có chương trình đào tạo 80 đầu bếp mỗi năm với những khóa học ngắn hạn kéo dài sáu tuần cho mỗi lớp. Hồi giữa tháng Tám, các học viên khóa 97 đã tham dự buổi lễ tốt nghiệp đáng nhớ. Học viên Lee Hylton cho biết: “Khóa học không chỉ hướng dẫn kỹ năng làm bếp mà còn dạy chúng tôi bài học về giá trị cuộc sống. Đây là căn bếp của tôi và mọi người, nơi bạn có thể chung tay vì cộng đồng”. Lee Hylton từng ngồi tù hai năm và chưa bao giờ anh nghĩ mình có cơ hội học nghề và làm việc thuận lợi như vậy. Hiện mức lương Lee Hylton nhận ở DC Central Kitchen là gần 12 USD/giờ.
Tinh thần kết nối và san sẻ của DC Central Kitchen đã chạm đến nhiều đối tượng trong xã hội Mỹ. Mô hình của DC Central Kitchen tạo nguồn cảm hứng cho nhiều nơi lập ra các dự án tương tự trong hệ thống trường học, trong đó nổi bật là “Dự án bếp ăn nhà trường”. Học sinh sẽ biết cách tận dụng nguồn thức ăn rẻ tiền nhưng đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm để chế biến những bữa ăn ngon lành cho các đối tượng khó khăn.
Tổng thống Barack Obama và con gái cũng xắn tay áo, vào bếp DC Central Kitchen để kêu gọi cộng đồng tham gia việc thiện nguyện - Ảnh từ trang web Nhà Trắng
DC Central Kitchen đã trở thành địa chỉ uy tín được các chính trị gia đánh giá cao và thường xuyên có những hoạt động hỗ trợ. Đầu năm nay, Tổng thống Obama cùng các thành viên trong gia đình đã xắn tay áo, cùng vào bếp DC Central Kitchen để chế biến món bánh bột ngô phong cách Mexico cho người vô gia cư. Trước đó, Tổng thống Obama cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã nhiều lần đến đây nhằm thu hút sự chú ý của giới trẻ, kêu gọi họ chung sức với các hoạt động thiện nguyện. Tổng thống Obama dành nhiều thiện cảm cho DC Central Kitchen: “Sức mạnh kết nối và lý tưởng sống vì cộng đồng được thể hiện rõ ràng ở đây. Chính nhờ mỗi cá nhân mà những nút thắt lớn về bài toán giải quyết đói nghèo của chính phủ đã được giải quyết phần nào. Chúng ta cần cảm ơn những tấm lòng như thế”.
THIÊN ANH (Theo NPR, DC Central Kitchen)
DC Central Kitchen, Barack Obama, bếp ăn cộng đồng, thức ăn thừa, hạn sử dụng, từ thiện, tình nguyện