Thế giới

Các nhà lãnh đạo Iraq có lỗi trong sự sụp đổ của quân đội

PNO – Các nhà lãnh đạo Iraq đã thất bại trong việc tăng cường và hỗ trợ quân đội quốc gia sau khi binh lính Mỹ rút khỏi nước này, bất chấp hàng tỷ đô la đã được rót cho Baghdad để đào tạo và trang bị cho quân đội.

Người dân Iraq tình nguyện tham gia cuộc chiến chống lại cuộc tấn công của chiến binh thánh chiến - Ảnh: AFP

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cũng bác bỏ lời chỉ trích từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa rằng lực lượng Hoa Kỳ còn lại có thể ngăn chặn quân đội Iraq khỏi sụp đổ trước sức tiến công như vũ bão của phiến quân.

"Khi chúng ta rời Iraq sau nhiều năm hy sinh và tốn kém tiền thuế của dân Mỹ, chắc chắn quân đội của chúng ta cảm thấy sự hy sinh nhiều hơn bất cứ ai, và người Iraq đã có một cơ hội”, bà Harf nói với báo giới. "Chúng ta đã giúp lực lượng an ninh của họ, chúng ta đã giúp quân đội của họ. Chúng ta đã giúp họ đứng trên đôi chân của mình, giúp xây dựng năng lực tác chiến, nhưng phải nói một cách thẳng thắn rằng, họ đã không tận dụng cơ hội đó". Thay vào đó, các nhà lãnh đạo Iraq "tạo ra một không khí dễ bị thương tổn khi cần gắn kết quân đội”, bà Harf nói.

Các quan chức Mỹ nói rằng mặc dù đã chi hàng tỷ USD để đào tạo lực lượng an ninh Iraq, họ rất thất vọng khi thấy lực lượng này tan biến trước sự tấn công của nhóm Nhà nước Hồi giáo và cận Đông (ISIL). "Lực lượng an ninh Iraq đã chứng tỏ họ không thể bảo vệ các thành phố, tạo điều kiện để các chiến binh khủng bố tràn qua một phần rộng lớn của lãnh thổ Iraq”, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói.


Chiến binh ISIL tiến về phía Baghdad - Ảnh: AFP

Truyền thông khu vực ngày 13/6 cho biết, trong quá trình đánh chiếm trung tâm dầu mỏ Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh của Iraq, phiến quân ISIL đã thu giữ không những rất nhiều thiết bị quân sự của Mỹ, mà còn một lượng tiền mặt lớn từ ngân hàng trung ương trong thành phố.

Trong khi sự hỗn loạn đang lan rộng ở Iraq, lực lượng người Kurd ở nước này đã nắm quyền kiểm soát Kirkuk, một trung tâm dầu mỏ ngay bên ngoài vùng đất tự trị của họ, nơi từ lâu người Kurd vốn coi là thủ đô lịch sử của mình. Động thái này diễn ra ba ngày sau khi các chiến binh ISIL chiếm được thành phố Mosul.

Washington đã rút toàn bộ lực lượng của mình vào năm 2011, khi các nhà lãnh đạo Iraq từ chối ký một thỏa thuận để quân đội Mỹ cung cấp sự bảo vệ pháp lý. Đáp lại ý kiến của phe Cộng hòa, bà Marie Harf nói rằng: “Thật ngây thơ khi nghĩ rằng Hoa Kỳ, chỉ có vài ngàn quân không tác chiến còn lại ở Iraq, mà có thể ngăn cản các chính khách nước này tạo ra bầu không khí chúng ta đang thấy”.

THIỆN ĐẠO (Theo AFP, Reuters)

www.phunuonline.com.vn

Iraq, ISIL, Baghdad, phiến quân, lực lượng an ninh


© 2021 FAP
  439,067       36/1,448