Thế giới

Những vụ bắt cóc giả đình đám-Bài 5: Cô dâu chạy trốn

PN - Thay vì có mặt ở nhà thờ trong ngày trọng đại nhất đời mình thì Jennifer Wilbanks, 32 tuổi đã tự dựng lên màn kịch bị bắt cóc để không phải kết hôn với người mình không yêu.

 Lễ cưới giữa Jennifer Wilbanks và John Mason dự định diễn ra vào Chủ nhật 30/4/2005, với số khách mời lên đến 600 người, có đến 14 phụ dâu, 14 phụ rể, kết thúc bằng một bữa tiệc hoành tráng ở CLB sang trọng Atlanta Athletic Club. Tuy nhiên, bốn ngày trước đó, Mason đến báo cảnh sát là “cô dâu đã mất tích”. Jennifer không trở về nhà sau cữ chạy bộ buổi chiều. Cảnh sát hạt Duluth, bang Georgia bắt đầu cuộc truy tìm.

Hình ảnh về chuyện Jennifer Wilbanks bị “mất tích”
 

 Bắt cóc
Không thể tìm thấy Jennifer, Cảnh sát trưởng Randy Belcher trấn an mọi người: “Chẳng có gì nghiêm trọng đâu. Có lẽ cô ta cảm thấy sức ép quá lớn trước một lễ cưới quá trang trọng với nhiều người tham dự như vậy”. Ông cho rằng đó là “hội chứng lo lắng thời kỳ tiền hôn nhân” và tin Jennifer sẽ quay về trước ngày cưới.
Thế nhưng càng lúc tình hình càng có vẻ nghiêm trọng. Đã hơn hai ngày trôi qua mà chẳng có chút manh mối gì về Jennifer. Gia đình và bạn bè của Jennifer bắt đầu tin rằng đây là một vụ bắt cóc vì người ta tìm ra chùm chìa khóa, tiền mặt, giấy tờ tùy thân cùng chiếc nhẫn cưới trong phòng của cô. Cuộc tìm kiếm trở thành một cuộc điều tra hình sự. Mason thuê một luật sư phối hợp với cảnh sát. Gia đình anh còn treo thưởng 100.000 USD cho ai biết được tin tức về kẻ đã bắt cóc Jennifer.
Ngày 29/4, một ngày trước ngày lễ cưới, Mason nhận được điện thoại của Jennifer. Cô cho biết mình bị bắt cóc và đã bị bạo hành tình dục suốt từ lúc đó cho đến khi được thả ra trước một cửa hàng 7-Eleven nhưng cô chẳng biết ở địa phương nào. Mason cố kéo dài cuộc điện đàm để cảnh sát có thời gian dò tìm địa điểm. Khi biết đó là một nơi ở thành phố Albuquerque thuộc bang New Mexico, cảnh sát hạt Duluth lập tức đến đó, đưa Jennifer về nhà trên chuyến bay sớm nhất, chuyến bay tối thứ Bảy 29/4.
Trước khi máy bay đáp xuống phi trường Georgia, gia đình Wilbanks gửi một thông báo đến giới báo chí, nội dung như sau: “Jennifer đã nói chuyện với vị hôn phu vì Mason rất nôn nóng được gặp mặt Jennifer. Cô ấy khẳng định lễ cưới sẽ không bị hủy bỏ mà chỉ dời lại”. Cánh phóng viên mất đến vài giờ chờ chuyến bay đáp xuống nhưng phí công. Jennifer không chịu nói chuyện với họ, hai viên cảnh sát đưa cô về từ Albuquerque thì viện lý do quá mệt, không thể tiết lộ điều gì. Họ chỉ hứa sẽ sớm đưa ra thông báo trong thời gian sớm nhất.

Sự thật bất ngờ
Ban đầu Jennifer luôn khẳng định mình bị bắt cóc và chấp nhận để cảnh sát Duluth và các nhân viên FBI thẩm vấn. Cô kể lại mọi chuyện một cách chi tiết. Theo đó, khi đang chạy bộ, cô bị một gã lai Tây Ban Nha cùng một phụ nữ da trắng chặn lại, dùng súng ép cô lên một chiếc xe tải nhẹ màu xanh mà cô không kịp nhìn biển số. Hai kẻ này đã đưa Jennifer vượt chặng đường hơn 1.000 cây số từ bang Georgia đến bang New Mexico. Trong thời gian đó, gã đàn ông đã nhiều lần hãm hiếp cô. Jennifer còn cho biết, mụ đàn bà đã cắt tóc cô trước khi đẩy cô ra khỏi xe.
Tuy nhiên, khó mà qua mặt được những nhân viên FBI đầy kinh nghiệm thẩm vấn. Không lâu sau đó, Jennifer đã phải thừa nhận chính cô đã quyết định bỏ nhà đi vì cảm thấy cần có một quãng thời gian riêng tư để nghĩ về cuộc hôn nhân sắp tới. Schultz, cảnh sát trưởng thành phố Albuquerque, nói với CNN: “Có quá nhiều lỗ hổng trong câu chuyện của cô ta. Khi được yêu cầu nhắc lại câu chuyện thì mỗi lần cô ta lại nói những điều khác hẳn. Hơn nữa, khi ở cùng người nào đó trong suốt bốn ngày thì lẽ ra cô ta phải có nhiều thông tin về kẻ đó hơn”.
Sự thật rồi cũng được Jennifer thú nhận với cảnh sát. Chính cô đã tự cắt tóc mình để những người quen không nhận ra trước khi bắt taxi đến trạm xe khách đường dài để đến Albuquerque. Tại đó, cô thuê phòng ở một khách sạn rẻ tiền cho đến khi gọi điện cho Mason báo tin mình bị bắt cóc. Khi ra đi, trong túi Jennifer chỉ có 150 USD tiền mặt. Cô cho biết, mình không hề có ý định ra đi mà mọi thứ chỉ bột phát từ một khoảnh khắc nông nổi.

Jennifer Wilbanks và John Mason “hôn phu bị từ chối” 


Sau vụ này, nhiều người dân ở hạt Duluth đã tham gia việc tìm kiếm Jennifer cho rằng cô đã phản bội lòng tin của họ. Trong số đó có cả John Mason. Ngày 22/5/2006, Mason hủy bỏ hôn ước với Jennifer. Hai năm sau anh đã tìm được cuộc hôn nhân đích thực của mình: ngày 15/3/2008, Mason kết hôn với Shelley Martin, trong một lễ cưới lặng lẽ ở nhà bố mẹ mình tại Duluth. Mãi đến tháng 6/2010, Jennifer mới thông báo là sẽ kết hôn với một nghệ nhân làm vườn tên Greg Hutson, người đã hai lần ly hôn.
Không “duyên” nhưng vẫn còn “nợ”, Jennifer và Mason vẫn còn vướng víu nhau. Tháng 9/2006, Jennifer đâm đơn kiện Mason tội bội tín. Chuyện bắt nguồn từ việc một nhà xuất bản ở New York mua bản quyền câu chuyện của cô với giá 500.000 USD. Do đang nằm viện để điều trị chứng rối loạn tâm lý, Jennifer ủy quyền cho Mason thực hiện hợp đồng này, nhưng anh đã dùng tiền nhận được để mua một căn nhà rồi đứng tên mình. Jennifer muốn tòa ra phán quyết Mason phải chia cho cô 250.000 tiền bản quyền câu chuyện, cộng thêm 250.000 USD khác để bù đắp tổn thất tinh thần. Tuy nhiên, phiên tòa chưa bắt đầu thì hai bên đồng ý hủy bỏ vụ kiện do đã thỏa thuận được với nhau.
Cảnh sát không quy tội hình sự cho Jennifer về vụ bắt cóc giả, dù phí tổn trong vụ này lên đến gần 60.000 USD, nhưng buộc cô phải chịu án quản chế trong hai năm cùng 120 giờ lao động công ích và khoản tiền phạt 2.250 USD. Có thể nói, cảnh sát Duluth đã rất khoan hồng với Jennifer, nhưng cảnh sát Albuquerque đã khéo léo tận dụng câu chuyện “tự bắt cóc”của Jennifer. Khi tuyển mộ phụ nữ vào ngành, cảnh sát Albuquerque đã đăng mẫu rao vặt như sau trên báo: “Muốn trốn chạy khỏi công việc hiện nay? Hãy liên hệ bộ phận tuyển mộ của Sở Cảnh sát theo số 343-5020” kèm theo hình ảnh một cô dâu đang chạy trốn.

THIỆN NGA

www.phunuonline.com.vn

Jennifer Wilbanks, John Mason, Julia Robert, Cô dâu chạy trốn


© 2021 FAP
  448,201       1/909