Thế giới

Bài 4: Cái chết của một vị “thánh”

PN - Cái chết của Giáo hoàng John Paul I vào ngày 28/9/1978, chỉ sau 33 ngày tại vị, khiến cả thế giới sửng sốt. Người có thể giúp tìm ra nguyên nhân cái chết của Giáo hoàng cũng đột ngột qua đời.

 Ông ta chết vì một liều cyanide sau khi dùng bữa tối tại nhà tù Voghera, vốn nổi tiếng là nơi được kiểm tra nghiêm nhặt nhất trong hệ thống các nhà tù ở Ý. Sau sự sụp đổ của hai ngân hàng Banca Privata Unione ở Milan và Franklin National Bank ở New York, đều do ông làm chủ, Michele Sindona đã bị tòa án New York rồi tòa án Milan truy tố vì những sai phạm trong hoạt động ngân hàng và tội giết người.

Tự bắt cóc mình

Ông chủ nhà băng đầy thế lực Michele Sindona


Khi tòa án bang New York xếp lịch cho phiên xử Sindona thì đột nhiên ông ta mất tích. Mọi dấu hiệu cho thấy Sindona đã bị bắt cóc, nhưng không biết ai đã thực hiện vụ này và vì sao? Thực tế, mafia Ý đã thành công trong việc đưa Sindona sang Sicily “nghỉ mát” vài tuần để có thời gian tìm cách chạy tội. Sindona đã liên hệ với các chính trị gia Ý, trong đó có cả Thủ tướng Giulio Andreotti, yêu cầu phải tìm ra cách giải cứu ông ta và các ngân hàng của “phe ta”.

Vài ngày sau khi tin Sindona “bị bắt cóc” được loan ra, hãng tin Ý ANSA tại New York nhận được một cú điện thoại nặc danh từ một người nói giọng Ý: “Công lý sẽ được thực thi. Rạng sáng ngày mai, Michele Sindona sẽ đền tội bằng một phát đạn vào đầu”. Cảnh sát nháo nhào xác minh kẻ đã gọi điện, nhưng vô vọng. Nhiều ngày sau đó, cũng chẳng có thông tin gì về “một người Ý đã bị bắn vào đầu” như tin báo.

Sau 11 tuần mất tích, ngày 16/10/1979, Sindona xuất hiện tại New York với vẻ phấn chấn. Dường như ông đã nhận được một đảm bảo nào đó. Thế nhưng, chỉ vài ngày trước phiên tòa, người ta phát hiện Sindona định tự sát bằng cách cắt cổ tay, đưa ông đi cấp cứu, phiên xử lại bị hoãn. Cuối cùng thì phiên xử cũng diễn ra vào tháng 6/1980 tại New York, Sindona bị kết án 25 năm tù, giam tại nhà tù liên bang ở Otisville, New York.
Bốn năm sau, Sindona bị dẫn độ sang Ý để tiếp tục ra tòa vì những cáo buộc liên quan đến ngân hàng Banca Privata Unione.

Năm 1979, ông Giorgio Ambrosoli - chủ ngân hàng đồng thời là một luật sư - đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy các sai phạm của Sindona đã khiến ngân hàng Banca Privata Unione phá sản, đồng thời khiến nhiều ngân hàng khác ở Ý lao đao, trong đó có cả ngân hàng Banca Privata Italiana của Ambrosoli. Theo tiết lộ của Ambrosoli, Sindona đã nhiều lần lén lút chuyển tiền từ các ngân hàng ở Ý đến ngân hàng thuộc sở hữu của ông ta tại Mỹ, với tổng số tiền lên đến ít nhất 225 triệu USD.

Không lâu khi công bố các sai phạm của Sindona, ông Ambrosoli bị bắn chết ngay trước cửa nhà mình ở Milan. Sau đó, cảnh sát Mỹ nhận được lời thú tội của William Arico, một dân anh chị có “số má” ở New York, nhận là mình đã bắn chết Ambrosoli theo hợp đồng với Robert Venetucci, người được cho là đã nhận chỉ thị của Sindona trong vụ giết thuê này.

Biết trước mình sẽ chết

...Với vẻ tiều tụy khi ra tòa ở Ý

Sindona phản đối kịch liệt việc bị di lý sang Ý nhưng không được. Ông chủ ngân hàng một thời đầy quyền thế này khẳng định: “Tôi sẽ không tồn tại lâu được ở một nhà tù Ý”. Sindona đã đoán trước số phận của mình và khi biết tin ông chết, các luật sư của Sindona đã có ngay nhận định: “Đó là một vụ giết người!”. Với họ, việc Sindona tự tử là điều
không thể.

Trong thời hoàng kim của mình, Michele Sindona có quan hệ rất rộng, từ giới ngân hàng cho đến cảnh sát, từ những chính trị gia cho đến thủ lĩnh băng nhóm… ai cũng có thể là bạn của Sindona. Tuy nhiên, mối quan hệ được cho là quan trọng nhất của Sindona chính là với Giáo hội La Mã, đặc biệt là với Hồng y Paul Marcinkus, người kiểm soát tài chính của Vatican. Là chủ các ngân hàng ở Mỹ và Ý, Michele Sindona có quan hệ đối tác rất khăng khít với Hồng y Paul Marcinkus. Sindona cũng từng được Giáo hoàng Paul VI phong là cố vấn tài chính cho Giáo hội, đặc trách việc đầu tư tài chính.

Ngay khi chưa được bầu làm người đứng đầu giáo hội, Giáo hoàng John Paul I đã không đồng ý với việc giao toàn bộ việc quản lý tài chính của giáo hội vào tay Hồng y Paul Marcinkus. Khi trở thành Giáo hoàng, ngài đã rất nhiều lần cho rằng nền tài chính của giáo hội lúc đó đang đi ngược mong muốn của Chúa, tiền bạc của Vatican phải thuộc về mọi giáo dân chứ không phải của riêng ai.

Chính những tuyên bố trên của Giáo hoàng John Paul I đã khiến nhiều chủ ngân hàng ở Ý lo lắng. Nếu Vatican rút về những món tiền đã đầu tư, không ít ngân hàng ở Ý sẽ lâm vào cảnh khốn đốn, trong đó có cả Banca Privata Unione của Sindona. Ngày 28/9/1978, tin Giáo hoàng John Paul I từ trần được chính thức thông báo nhưng không nói rõ nguyên nhân của cái chết. Cho đến giờ cái chết của ngài vẫn còn là bí ẩn, dù có nhiều lời đồn là mafia và mật vụ Ý có liên quan đến cái chết này, mà Michele Sindona là một đầu mối quan trọng.

Sau khi bị tòa án Ý kết án tù chung thân, Sindona đã yêu cầu các luật sư của mình tiến hành ngay thủ tục kháng án. Ông nói, sẽ tiết lộ tất cả trong phiên tòa phúc thẩm. Lời đe dọa này bị rò rỉ và tất nhiên khiến nhiều người ăn ngủ không yên. Nếu Sindona nói ra hết những gì mình đã biết, đã làm có thể sẽ có đến không dưới 500 nhân vật “tai to mặt lớn” từng nhận được nhiều lợi ích từ các ngân hàng và cơ sở làm ăn của Sindona bị giới tư pháp Ý sờ gáy.

Thế là có ai đó quyết định “phải xóa sổ Sindona để “bịt đầu mối”. Chỉ bốn ngày sau phiên tòa ở Milan, Sindona chết trong tù, chấm dứt cuộc đời của một người từng được tôn là “Thánh của giới ngân hàng”.

THIỆN NGA

www.phunuonline.com.vn

Michele Sindona, John Paul I, chết, bắt cóc


© 2021 FAP
  448,601       3/911