Thế giới

Làm Ôsin xứ người - Bài 2: Nước mắt người nghèo

PN - Năm 2011, các nhà hoạt động nhân quyền Malaysia đã giải cứu được 41 người giúp việc Campuchia bị chủ hành hạ, quỵt lương và cảnh báo nạn bóc lột,

Chị Hok Pov, 31 tuổi, là một trong số những người may mắn được giải cứu nói trên vào tháng 6/2011. Trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của Tenaganita, một tổ chức nhân quyền Malaysia, chị Pov kể lại sáu tuần làm công khốn khổ cho một gia đình người Malaysia.

Chị Orn Eak và con trai - Ảnh: AP

Không biết cầu cứu ai

Chị Pov đặt chân đến Malaysia vào tháng 4/2011. Ở quê nhà, chị làm công nhân, thu nhập khoảng 100 USD/tháng. Chị đã có chồng và một con trai tám tuổi nên số tiền đó không đủ chi dùng. Nghe nói đi làm giúp việc nhà ở Malaysia rất nhiều tiền, chị đăng ký xin xuất khẩu lao động.

Một công ty xuất khẩu lao động Campuchia hứa sẽ bố trí chị vào một gia đình giàu có với mức lương 650 ringgit, gấp đôi lương hiện có của chị. Chị háo hức đến thủ đô Kuala Lumpur, nhưng chân ướt chân ráo tới xứ người, cuộc sống của chị bị đảo lộn hoàn toàn. Đó là một cơn ác mộng vì phải làm hai việc: Ôsin trong nhà và công nhân trong cơ sở sản xuất của chủ. Thời gian làm việc từ 4g sáng đến 1g khuya. Bữa ăn chủ yếu là mì gói những lúc không bị bỏ đói. “Tôi đói đến mức ăn xương gà cũng thấy ngon”.

Đã vậy, ông bà chủ còn kiếm cớ hành hạ chị đủ kiểu. Chuyện bị tát vào mặt, bị đánh đấm diễn ra như cơm bữa. Chị uất ức nói: “Có lần tôi bị tát vào mặt mạnh đến nỗi gãy mấy cái răng. Đánh như vậy, ai mà chịu thấu”. Từ một người khỏe mạnh, chị gầy sọp đi, mất đến 10kg. Tệ hơn, suốt thời gian làm việc cho chủ, chị chưa lãnh được một đồng nào.

Hok Pov bức xúc: “Tôi chỉ muốn nhận được lương và rời khỏi nơi đó ngay. Tôi không bao giờ muốn trở lại Malaysia nữa. Chủ nhà là người giàu và có đạo. Tại sao họ không thương xót người nghèo như chúng tôi? Đêm nào tôi cũng khóc nhưng không biết cầu cứu với ai”.

Trường hợp của chị Orn Eak, 28 tuổi, quê ở tỉnh Kompong Thom, một bà mẹ đơn thân có con trai năm tuổi, còn đáng thương hơn. Chị làm cho một bà chủ có mẹ già yếu nằm một chỗ. Năm 2012, chị bị tống về nước sau gần hai năm lao động vất vả vì có một con rắn dài khoảng một mét không biết từ đâu chui vào nhà. Chủ nhà đổ tội cho chị đem rắn độc vào nhà để ám sát họ. Chị Eak cho biết, chủ nhà luôn đổ mọi tội lỗi lên đầu chị để có cớ đánh đập. Mức độ ngược đãi lên tới đỉnh khi mẹ chủ nhà chết trong bệnh viện. “Bà cụ chết vì bệnh già nhưng họ đổ lỗi tại tôi. Hàng ngày tôi vừa làm việc nhà vừa chăm sóc bà cụ từ mờ sáng đến khuya mà vẫn ăn đòn và bị bỏ đói thường xuyên. Trên người tôi giờ đây đầy sẹo”. Theo cam kết của công ty xuất khẩu lao động ở Campuchia, mức lương của chị tương đương 180 USD/tháng, nhưng bà Ea Tha, 55 tuổi, mẹ của chị Eak, cho biết, trong gần hai năm làm việc ở Malaysia bà chỉ nhận được từ bà chủ tổng cộng 270 USD tiền lương của con gái. Chưa hết, khi chị Eak xuống sân bay Pochentong ở Phnom Penh, một phụ nữ đến đón chị và đưa thẳng về công ty đã môi giới đưa chị sang Malaysia năm 2010. Tại đây, theo lời nạn nhân, sau khi trình bày với giám đốc công ty chuyện con rắn, chị Eak bị năm người đàn ông lực lưỡng túm đầu đánh. Bà Ea Tha được công ty gọi tới để đón con gái về. Thấy mặt con sưng vù, thân thể bầm tím, bà Tha làm dữ đòi trả lương đầy đủ, không chịu về tay không. Giám đốc công ty buộc phải nhả ra 1.200 USD, bằng phân nửa số lương mà công ty đã hứa hão.

Hok Pov - Ảnh: AP

Lỗ hổng của luật pháp

Theo số liệu của Đại sứ quán Indonesia và Campuchia, hiện có 230.000 công dân của họ đã sang Malaysia làm nghề giúp việc gia đình. Mỗi năm có khoảng 2.000 người báo cáo với đại sứ quán là bị đánh đập, xâm phạm tình dục, đối xử như nô lệ , thậm chí mất mạng. Đại sứ Campuchia tại Malaysia phát biểu trên tờ The Star năm 2011: “Chỉ trong một tuần có đến ba người giúp việc của chúng tôi thiệt mạng”. Vụ việc này cộng với bi kịch của chị Hok Pov bị báo chí làm rùm beng, chính phủ Campuchia đã phải tạm ngưng chương trình cung cấp người giúp việc cho Malaysia. Riêng Indonesia đã cấm phụ nữ sang Malaysia làm người giúp việc từ năm 2009, sau một loạt bê bối bị phanh phui.

Dù tỷ lệ không lớn và chỉ một số ít trường hợp được đưa ra ánh sáng, nhưng theo tổ chức Tenaganita, nó cho thấy luật pháp Malaysia có nhiều bất cập và chính phủ các nước liên quan thiếu sự quan tâm đúng mức đến tệ trạng này.

Bà Irene Fernandez, Giám đốc tổ chức Tenaganita nhận định, ngoại trừ người giúp việc Philippines được đào tạo bài bản và được chính phủ nước này bảo vệ khá tốt, công dân các nước nghèo khác dễ bị ngược đãi hơn bởi những lý do đã nêu. Hầu hết đều bị chủ nhà thu giữ hộ chiếu, lao động không có ngày nghỉ, bị trả lương thấp hơn giao kết ban đầu hoặc quỵt lương. Chính phủ thường lên án chuyện đó nhưng không có hành động cụ thể để khắc phục.

Về phía Campuchia, theo Tenaganita, đất nước này thiếu luật bảo vệ người giúp việc ở Malaysia và quản lý các công ty xuất khẩu lao động rất yếu kém. Sau khi phát hiện vi phạm, những công ty này cũng không bị trừng phạt đúng mức do những lý do tế nhị như có “dây mơ rễ má” với những quan chức có thế lực.

Theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ ở Campuchia, không ít công ty xuất khẩu lao động địa phương, do chạy theo lợi nhuận đã vi phạm trắng trợn luật lao động. Họ tung người về các thôn làng nghèo, dụ dỗ những cô gái trẻ, thậm chí là bé gái mới 13-14 tuổi nhưng có thể làm giả giấy khai sinh nâng lên 21 tuổi. Họ ứng trước cho gia đình ứng viên một số tiền, lương thực hoặc trâu bò kèm theo những lời hứa hẹn có cánh như lương cao, điều kiện làm việc an nhàn trong các gia đình giàu có ở Malaysia. Vì thế, gia đình các ứng viên vô tình mắc nợ công ty. Các công ty này thường lấy phí rất cao, kèm theo những cam kết mà phần lớn thiệt thòi thuộc về người lao động.

Số lao động kể trên được đào tạo qua loa trong các “trại huấn luyện” thường là quá tải và trả tiền “lót tay” hậu hỉ cho “cò” trước khi được đưa sang Malaysia. Bộ Lao động Campuchia đã phải vào cuộc khi một trại viên bị đột tử và một người khác té gãy chân trong lúc trèo tường bỏ trốn vì “quá khổ” vào năm 2011.

Hou Vuthy, Phó vụ trưởng Bộ Lao động Campuchia phụ trách xuất khẩu lao động thừa nhận, có những chuyện sai trái nói trên nhưng công tác kiểm soát cần nhiều thời gian - ít nhất là ba năm - mới hoàn thiện. Theo ông, trở ngại lớn nhất là xác minh giấy khai sinh cấp làng xã.

 TRỌNG NGHĨA

Đón đọc kỳ tới: Lối thoát cuối cùng 

www.phunuonline.com.vn

Ôsin, Nước mắt người nghèo, Campuchia, Malaysia, Hok Pov, Orn Eak, Pochentong


© 2021 FAP
  477,041       4/873