Thế giới

Giữ Tết cho con

PNO - Có lẽ, nhờ vợ chồng tôi cố gắng giữ lấy chút gì của nguồn cội mà các con tôi đều yêu cái gốc người Mỹ gốc Việt. Chúng thích đi đến khu người Á châu giải trí và học hỏi truyền thống của ngày Tết

Mỗi khi trời se lạnh, báo hiệu năm mới đang đến, là tôi hình dung ở quê nhà, bà con náo nức đi mua sắm, cửa hàng bày bán nhiều sản phẩm, trẻ con của náo nức chờ Tết đến để được mặc áo mới và được lì xì.

 Tôi nhớ, ai cũng bận rộn dọn dẹp, sơn sửa và tran trí ít nhiều cho nơi cư ngụ của mình khang trang hơn, để tiếp khách và đón mừng năm mới. Ngày Tết cổ truyền Việt Nam, từ lâu lắm rồi, đã trở thành niềm vui và sự mong mỏi của mọi người, nhất là người già và trẻ em. Dù là người dư giả hay kẻ chỉ có ít tiền, ai ai cũng nôn nao hy vọng chút gì đó vui hơn, mới hơn dịp Tết đến.

Tết là ngày đoàn tụ và hội ngộ của gia đình, con cháu có đi làm xa cũng về sum hợp để chúc phúc và chúc thọ cho ông bà cha mẹ của mình. Đối với tôi, Tết còn là dịp “báo hiếu” của con cháu đối với tổ tông và gia đình, để con cháu khắc ghi công dưỡng dục của cha mẹ dành cho mình.
Không phải ngẫu nhiên mà nói chuyện “ăn tết”. Gia đình nào cũng cố gắng gói ghém để có được mâm trái cây, bánh chưng, bánh tét, bánh mứt, hạt dưa và rượu trà để cúng ông bà.

Chồng của người viết lì xì cho các cháu tại Mỹ, vào Tết Giáp Ngọ này

Riêng tôi vẫn nhớ cảm giác đón Tết đến để được mặc áo mới và được nhận bao lì xì. Cái cảm giác sung sướng và hồi hộp khi mở những phong bao nho nhỏ màu đỏ, bây giờ nhắm mắt lại, tôi cũng không thể nào quên… Đó là những ký ức đẹp đã theo tôi, đi cùng năm tháng. Đến nay, tôi đã ở thời điểm hơn nửa đời người, nhưng nếu được lì xì thì tôi vẫn mừng rỡ, háo hức, để được “hít hà” mùi thơm của mấy tờ giấy bạc mới “cáu”.

Tết đến, bọn con nít ở làng, trong đó có tôi, rất thích màn đốt pháo và xem múa lân. Làm sao tôi có thể quên ông Địa với khuôn mặt cười, bụng phệ, tay cầm quạt mo phe phẩy lia lịa. Ổng cứ lăng xăng láo xáo xung quanh bầy lân và rồng để làm trò, trong lúc con nít chúng tô đua theo chọc ghẹo ông. Hồi đó, tôi cứ thích đi theo sau lân và rồng để được hất đuôi áo lên xem chú nhóc nào…làm đuôi. Những nghệ sĩ “tí hon” đang làm trò mừng xuân này cũng mong muốn có tiền lì xì như chúng tôi. Vì vậy, tôi rất vui sướng khi trích vài phong bì đỏ của mình để lì xì lại cho lân, rồng.

Nhắc đến phần đốt pháo, lá gan thỏ đế của tôi chỉ thích đứng xa xa mà ngắm pháo nổ tạch đùng, chứ chả bao giờ dám tự tay mình đốt viên pháo nào hết, kể cả loại “pháo chuột”. Tiếng pháo Tết nghe rộn ràng làm sao, nhất là trong đêm ba mươi Tết, vậy nhưng mấy con chó, con mèo cứ chúi mũi vào gầm chạn, gầm giường vì sợ tiếng pháo.

Người viết (ở giữa) và hai con gái

Giờ đây, tôi đã trưởng thành, có gia đình, con cái. Tôi thầm tiếc là mình không đủ điều kiện để cho con cái mình được hưởng không khí và mùi vị Tết như mình ngày xưa. Hoàn cảnh sống khác, mọi sự thay đổi, lòng người đón nhận Tết cũng khác. Nhất là hương vị Tết ở xứ người không thể sánh được với hương vị Tết ở xứ mình. Mấy đứa nhóc nhà tôi cũng thích đến khu trung tâm của cộng đồng Á Châu, khu thương xá của người Việt để chiêm ngưỡng múa lân, múa rồng, và vui cùng ông Địa như mẹ của nó hồi bé vậy. Nhưng với điều kiện sinh hoạt tiện nghi và phong phú bây giờ, cách nghĩ và cảm nhận của các con tôi cũng khác tôi ngày bé. Kể cả khi chúng nhận được lì xì từ tay người lớn, dường như cảm giác vui mừng háo hức của chúng cũng không đủ hồi hộp như tôi ngày nào. Bởi tôi ngày ấy là đứa trẻ đã chờ “dài cổ” cả một năm, để rồi nín thở mở bao lì xì. Con tôi bây giờ thực tế hơn, chúng đếm xem có mấy con số không là đủ vui rồi.

Con cái tôi cũng như bọn trẻ lớn lên ở xứ người, tuy ăn cơm Việt Nam như các món ngọt, món “ăn chơi”, nhất là món tráng miệng, lại hợp với khẩu vị của Tây hơn ta. Những loại mứt trái không được chúng ưa chuộng. Mứt bí, mứt cà rốt, mứt gừng, hạt sen, thì mấy đứa nhỏ cho là cứng quá, rất khó nhai. Duy có mứt chùm ruột, mứt me, và mứt tắc là được ủng hộ. Bánh chưng và bánh tét thì chúng ăn chút ít, và không muốn ăn tiếp lát bánh thứ hai.

Do bị động với công việc nên người viết ít khi được đón Tết  vào thời điểm giống "y chang" mấy tờ lịch

Tôi muốn dạy cho con cái mình lớn lên như mình đã từng trải qua, nhưng điều đó tưởng chừng vượt quá tầm tay của tôi. Mấy nhóc nhà tôi nhận thức được và biết hết thức ăn Việt Nam và ý nghĩa của ẩm thực Tết nhờ đọc sách báo, nhưng lại được in ấn bằng tiếng nước ngoài. Nhìn lại xung quanh mình, cũng có nhiều đứa trẻ chẳng được cha mẹ hướng dẫn tri thức về cội nguồn…mà buồn.

Nói tới chuyện sum hợp gia đình để đón mừng năm mới, tôi lại cảm thấy mình không làm tròn trách nhiệm chút nào. Sống ở xứ người khác với sống ở xứ mình, hàng năm chỉ có người Hoa và người Việt chung vui đón mừng năm mới âm lịch. Ông bà ta có câu “Nhập gia tùy tục”, và tôi đã sống đúng như vậy. Cho nên ngày Tết cũng không thể nghỉ phép để vui xuân Tôi và chồng vẫn ở độ tuổi đi làm, kiếm sống, các con phải đi học, đi thi, hoặc làm bài kiểm tra tại lớp. Cho nên muốn có một năm mới vui vẻ, gia đình chúng tôi tự lập thời khóa biểu vui Tết sao cho tất cả thành viên đều tham dự. chứ không thể ăn Tết vào thời điểm giống "y chang" thời gian của mấy tờ lịch treo tường,

Có lẽ, nhờ vợ chồng tôi cố gắng giữ lấy chút gì của nguồn cội mà các con tôi đều yêu cái gốc người Mỹ gốc Việt. Chúng thích đi đến khu người Á châu giải trí và học hỏi truyền thống của ngày Tết mà không cần vợ chồng tôi ép buột hay thúc đẩy. Chúng tự nghiên cứu và tìm tòi cách sinh hoạt và tập quán cổ truyền từ trường học, bạn bè, và tài liệu. Tuy không nói lưu loát tiếng mẹ đẻ, nhưng ý thức tôn trọng truyền thống Việt thì chúng cũng có đủ. Tôi mừng và yên tâm phần nào.

KIMBERLY HUA (Texas, Mỹ)

www.phunuonline.com.vn

nhớ Tết, múa lân, lì xì, mứt


© 2021 FAP
  494,461       1/972