Sau 3 tháng tham gia lớp đào tạo nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu do Hội Nông dân thành phố tổ chức, 32 nông dân ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) đã thu lứa nấm đầu tiên, kết quả vượt trên cả mong đợi. Ông Phùng Xiêm, trưởng nhóm 15 học viên cho biết: Với 2.600 bịch nấm sò, 255 bịch nấm linh chi, lứa đầu tiên thu 250kg, trị giá 6 triệu đồng.
Ông Phùng Xiêm, trưởng nhóm 15 học viên cho biết: Với 2.600 bịch nấm sò, 255 bịch nấm linh chi, lứa đầu tiên thu 250kg, trị giá 6 triệu đồng. Đây là nghề rất phù hợp với nông dân Hòa Quý sau khi đất canh tác không còn. Sản phẩm làm ra vừa được giá vừa dễ tiêu thụ. Nghe tin cơ sở mới hình thành, khách hàng đến tận nơi nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tính ra, trồng nấm hiệu quả gấp nhiều lần so trồng lúa, khoai.
![]() |
Trên vùng trồng hoa của phường Hòa Cường Bắc (Hải Châu). |
Ông Nguyễn Thông, trưởng nhóm 7 học viên của khu vực Khái Tây 1 cho biết thêm: Từ trước đến nay nghe nói nhiều đến nấm ăn, nấm dược liệu, nhưng chỉ khi Hội Nông dân thành phố mở lớp đào tạo nông dân Hòa Quý mới tường tận cách thức sản xuất. Nay khu nhà của HTX (cũ) và nhiều nhà bỏ không ở khu vực này đang là nơi trồng nấm lý tưởng. Lứa đầu tiên sản xuất 2.250 bịch nấm sò, 200 bịch nấm linh chi, kết quả rất lạc quan. Sắp tới, nhóm quyết định đầu tư mở rộng quy mô, nâng sản lượng gấp 4-5 lần so hiện nay và coi đây là hoạt động kinh tế chủ yếu của mỗi nhà.
Khóa đào tạo sản xuất nấm nêu trên là khóa thứ 18 do Hội Nông dân thành phố tổ chức kể từ năm 2010 đến nay. Ít nhất hơn 500 nông dân đã phát huy kiến thức đã học sản xuất thành thạo các loại nấm ăn, nấm dược liệu. Ông Nguyễn Phú Ban, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Việc dạy nghề cho nông dân được Hội phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai từ năm 2010. Đến năm 2013, UBND thành phố quyết định giao cho Hội trực tiếp mở các khóa đào tạo và cấp kinh phí 100 triệu đồng.
Từ cơ sở này Hội đã xây dựng chương trình đào tạo nghề cho nông dân tại các địa phương, phù hợp với sản xuất từng vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng 2 lĩnh vực chính là nấm và hoa. Với phương thức trao cho nông dân nghề tại nơi họ sinh sống bằng việc những người thành thạo dạy cho người chưa biết, theo kiểu cầm tay chỉ việc. Cùng với quá trình vừa học vừa làm sẽ hình thành các tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ, chi hội nghề nghiệp. Thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.300 lao động đang sản xuất nấm tại gia và ở 13 HTX sản xuất nấm, mỗi ngày đưa ra thị trường từ 2 đến 2,5 tấn nấm ăn các loại. Riêng các ngày rằm, mồng một sản lượng gấp đôi. Với giá từ 120.000 đến 180.000 đồng/kg (nấm rơm) hộ trồng nấm thu 7-8 triệu đồng/tháng khá phổ biến.
Cùng với trồng nấm, sản xuất hoa tươi trong nông dân đã phát triển cả về lượng và chất sau khi 5 khóa đào tạo nghề trồng hoa cho 147 lao động do Hội Nông dân thành phố tổ chức kết thúc. Đến làng hoa Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) mới thấy rõ kết quả ứng dụng của người học. Không dừng lại ở các loại hoa truyền thống như vạn thọ, cúc bán ngày rằm, mồng một, cúc trồng chậu bán dịp Tết, mà tại đây đã có thêm nhiều loại hoa cao cấp như phong lan, ly ly, đồng tiền… Ông Đỗ Văn Chương, Chủ nhiệm HTX Hoa cây cảnh Nhơn Thọ cho biết: Được học hành đến nơi đến chốn, trình độ sản xuất của nông dân nâng lên đáng kể. Hồi chưa dự khóa đào tạo, nói đến trồng phong lan cắt cành, ai nấy đều lắc đầu. Thế mà chỉ sau hơn 2 tháng, tất cả đều thành thạo. Hiện tại, các loại phong lan và ly ly, đồng tiền đang là thế mạnh tại vùng hoa này.
Sản xuất của nông dân đã và đang tạo bước đột phá về chất sau khi được đào tạo bài bản. Tuy vậy, vẫn còn đó một số người do nhiều lý do, khi học xong, chưa triển khai sản xuất được như ý định. Hội Nông dân thành phố đã tìm hiểu và chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu, đó là: do không chủ động được nguồn nguyên liệu và giống; mặt bằng sản xuất không có hoặc phải thuê với giá cao; kỹ năng sản xuất và tiếp cận thị trường còn hạn chế. Ông Hồ Đăng Ninh, cán bộ Hội Nông dân thành phố cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện cho những nông dân đã đào tạo nghề phát huy nghề đã học, triển khai sản xuất, không chỉ có thu nhập cho chính họ mà còn góp phần làm ra của cải cho đời sống xã hội...
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU