Với mục tiêu cụ thể hóa các nội dung, giải pháp, kế hoạch thực hiện "Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014", chiều 2-1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo Chương trình hoạt động "Năm doanh nghiệp 2014".
![]() |
Các doanh nghiệp có cơ hội phát huy nhiều lợi thế trong “Năm doanh nghiệp 2014”. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo dự thảo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, các hướng giải pháp hỗ trợ DN bao gồm: Về khởi sự DN, thực hiện đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tối đa về đăng ký DN, đăng ký thuế và các thủ tục liên quan để DN sớm đi vào hoạt động; đồng thời hoàn thiện cơ chế “Một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh giữa 3 cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an thành phố. Bên cạnh đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ để hạn chế việc thanh tra, kiểm tra tại DN. Các DN sẽ được bảo đảm mặt bằng sản xuất kinh doanh và mở rộng trong thời gian đến, trên cơ sở thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất kể cả trong và ngoài khu công nghiệp…
Một trong những giải pháp quan trọng trong “Năm doanh nghiệp 2014” là giải pháp về tài chính, tín dụng. Trước hết, sẽ đưa vào hoạt động Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn cam kết tiếp tục duy trì chính sách giảm lãi suất cho vay, xây dựng các sản phẩm tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng cụ thể; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN. Về giải pháp hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường, trên cơ sở kế hoạch hành động, thành phố sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; có cơ chế cho DN thành phố tham gia cung ứng các dịch vụ công, dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố; triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực cho DN, tăng cường hoạt động của các trung tâm hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại tiên tiến...
Góp ý dự thảo, ông Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, cho rằng: Mỗi năm thành phố phải bình chọn cho được ít nhất 100 DN tiêu biểu để kịp thời động viên khuyến khích; phải trả lời cho được các câu hỏi: DN Đà Nẵng hiện yếu cái gì và cần cái gì? Nguyên nhân vì sao môi trường đầu tư của thành phố liên tục giảm trong thời gian qua; đồng thời phải xác định cho được lĩnh vực cần đầu tư, chú ý đến xuất khẩu với những mặt hàng chủ lực như thủy sản. Về tiếp thị, xúc tiến nên tập trung hai điểm đến là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nên hỗ trợ cho các DN sử dụng sản phẩm của nhau...
![]() |
Các doanh nghiệp cần vốn để tiếp tục vượt qua khó khăn. |
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thái Bá Cảnh đề nghị sớm triển khai đề án, đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật thêm thông tin cho DN Đà Nẵng với từng loại hình DN cụ thể. Cần có giải pháp bố trí 5 hoặc 10 ha đất để xây dựng một nhà xưởng chung bố trí cho các DN có nhu cầu thuê... Ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, kiến nghị các ngành cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ngay trong quý 1 kiểm tra lại quỹ đất để bố trí cho DN vì có thông tin cho rằng có nhiều đơn vị còn ôm giữ đất... Riêng việc thanh tra, kiểm tra DN mỗi năm một lần cần phải bàn kỹ vì có quá nhiều cơ quan cùng tham gia công việc này như Thuế, Hải quan, Thanh tra, Công an...
Bàn về nguồn vốn sản xuất, ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, đề nghị cần phải tạo niềm tin cho DN; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn của các NHTM; hỗ trợ DN vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Thành phố cần có khoản ngân sách hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ, giảm chi phí cũng như mở các khóa đào tạo giúp DN nâng cao nhận thức, thấy được thời cơ và thách thức khi hội nhập. Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV thành phố Nguyễn Văn Lý, đề xuất nên đối thoại trực tiếp và thường xuyên với DN để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sức khỏe của DN. Qua đó kịp thời đề ra chương trình hành động; song song đó có chương trình tập huấn cho DN, kết hợp với các giải pháp bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt là thông tin đến với các DN còn yếu, thiếu… nên cần có đầu mối theo dõi hoạt động của Năm DN bằng một tổ công tác tổng hợp, báo cáo lãnh đạo thành phố.
Theo ông Nguyễn Đức Thơ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, các ngành, địa phương cần đề ra các chương trình hành động có các điểm mới, khả thi, hiệu quả để phục vụ công tác hỗ trợ… Công khai, minh bạch các chính sách đầu tư, các thủ tục để hạn chế vướng mắc cho DN. Đồng thời, để thực hiện có hiệu quả, trước mắt phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đẩy mạnh thu hút mọi nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết sẽ tổ chức giao ban hằng tháng để đánh giá tiến độ triển khai công việc; gắn giải pháp với việc phân công từng sở, ngành và thời gian cụ thể. Phó Chủ tịch cũng đề nghị các ngành, các địa phương có chương trình hành động cụ thể của mình gửi về Ban chỉ đạo để tổng hợp. Rà soát 6 chính sách hỗ trợ DN, qua đó xem xét cần điều chỉnh cái nào, thêm cái nào để nhanh chóng hỗ trợ DN. Ngoài ra, tổ chức đối thoại, gặp gỡ DN trong quý 1; kết nối các chương trình hành động của thành phố, lên kế hoạch gặp gỡ, đối thoại DN cũng như có kế hoạch tổ chức biểu dương 100 DN tiêu biểu. Song song đó, cũng cần tổ chức đánh giá lại “sức khỏe” các DN Đà Nẵng hiện nay; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về “Năm doanh nghiệp 2014”...
Bài và ảnh: THÀNH LÂN