Kinh tế

Kỳ vọng công nghiệp

Năm 2014 được dự đoán là năm có nhiều khởi sắc đối với ngành Công nghiệp khi năm 2013 qua đi với nhiều thành công. Kết thúc năm 2013, lần đầu tiên ngành Công nghiệp đã đạt kim ngạch giá trị hàng hóa xuất khẩu trên 1 tỷ USD và chỉ số tăng trưởng công nghiệp vẫn đạt 2 con số (10%) so với năm 2012. Vì thế, năm 2014 được coi là năm có nhiều kỳ vọng đối với ngành Công nghiệp thành phố.

Công ty CP Cơ khí Trương Giang đang gấp rút hoàn thành những lô hàng cuối cùng của năm 2013.
Công ty CP Cơ khí Trương Giang đang gấp rút hoàn thành những lô hàng cuối cùng của năm 2013.

Dự đoán kinh tế thế giới đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực và có tác động mạnh đến việc xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là dự kiến Hiệp định Kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết, mở ra khả năng lớn về đẩy mạnh xuất khẩu. Điều đáng mừng nữa, thành phố chọn chủ đề của năm 2014 là “Năm doanh nghiệp”. Tại Hội nghị Thành ủy mở rộng và Kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố (khóa VIII) vừa qua đã dành nhiều thời gian để thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp, chính sách ưu tiên phù hợp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn… sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển. Tại hội nghị giao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2014, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả “Năm doanh nghiệp 2014”, thành phố tập trung đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo nguồn thu bền vững. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thiện hai đề án trọng tâm “Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp” và “Tái cơ cấu kinh tế”. Theo đó, đề án “Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp” kèm quy chế hoạt động của quỹ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 với các nội dung, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể. Gắn tái cơ cấu kinh tế với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Vì thế, cả ngành Công nghiệp và các doanh nghiệp kỳ vọng vào năm 2014 với nhiều thành quả cao hơn.

Các doanh nghiệp của thành phố đã và đang có sự chuẩn bị tích cực để nắm bắt cơ hội với kỳ vọng phát triển vào tương lai. Đi đầu trong các ngành là ngành dệt may, da giày… Các doanh nghiệp trong những ngành này đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mở rộng sản xuất, ngành hàng và quảng bá hình ảnh thương mại với những sản phẩm mới. Chỉ riêng Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ và Công ty CP Dệt may 29-3 với 2 nhà máy sản xuất veston sẽ xuất khẩu khoảng nửa triệu sản phẩm, thu hút khoảng 2.000 lao động mới. Ngày 22-12, tại Đà Nẵng, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã khai trương cửa hàng thứ tư bán sản phẩm thời trang nổi tiếng thế giới Merriman do Tổng Công ty sản xuất.

Ngoài ra, nhiều dây chuyền sản xuất mặt hàng mới của hàng loạt các doanh nghiệp, sau một thời gian đầu tư đã phát huy hiệu quả. Điển hình là các dự án: Nhà máy lốp xe tải radial (lốp cao su toàn thép) của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (600.000 lốp/năm), Nhà máy lắp ráp ô-tô Nissan của Công ty TNHH TCIE Việt Nam (công suất 6.500 chiếc/năm), nâng công suất Nhà máy Bia VBL từ 100 triệu lít/năm lên 150 triệu lít/năm, nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí của Công ty CP Cơ khí Sông Thu (50.000 xe đẩy hàng/năm)…

Chính vì vậy, trong kế hoạch năm 2014, ngành Công nghiệp đã mạnh dạn đưa ra các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,2% so với năm 2013. Trong đó, một số mặt hàng như thép cán tăng 23,8%, lốp ô-tô tăng 33,3%, bia tăng 16,7%, gạch ceramic tăng 13,3%, quần áo may sẵn tăng 11,5%, xi-măng tăng 10%, thủy sản chế biến tăng 7,3% và vải các loại tăng 7%,...

Thực hiện mục tiêu trên, trong những ngày qua, các doanh nghiệp đang chạy đua với thời gian, gấp rút hoàn thành kế hoạch năm 2013 và làm tốt công tác chuẩn bị để bước vào sản xuất năm 2014 với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, ngay từ những ngày đầu năm. Trong đó, ngành Dệt may sôi động hơn cả, vì quần áo mùa hè của năm sau phải sản xuất từ mùa đông năm trước.

 Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

.
Đà Nẵng

Tin liên quan


    © 2021 FAP
      68,755       1/465