Tiêu dùng

Sân chơi hè thiếu sức hút

PNO - Sân chơi mùa hè cho trẻ em ngoài các khu vui chơi dịch vụ có thu phí, công viên thì không thể không nhắc đến các Nhà văn hóa thiếu nhi (NTN).

 Nhà thiếu nhi vắng thiếu nhi!

Nằm ở đường Trần Cao Vân, NTN Q.1 khá đìu hiu. Khoảng sân hẹp có đến hai quán bán nước giải khát, nhiều vật dụng bày ra giữa sân, nhếch nhác. Gần cuối sân, vài bé đang ngồi xếp lego. Trong phòng có khoảng 3-4 kệ sách nhỏ, nhưng không có bé nào. Một số phòng học năng khiếu cũng cửa đóng then cài.

Nhiều nhà thiếu nhi vắng bóng thiếu nhi. Ảnh Hà- Cẩm

NTN Q.3, nằm chung trong khuôn viên Quận đoàn chỉ có vài phòng cho thiếu nhi tập múa, tập hát và thường hoạt động lúc chiều tối. Thậm chí, phòng chiếu phim 3D vừa được khánh thành để phục vụ miễn phí cho thiếu nhi cũng đóng cửa im ỉm.

Có một cơ ngơi khang trang với diện tích gần 40.000 m2, NTN Q.Thủ Đức cũng đìu hiu không kém. Thời điểm chúng tôi đến chỉ có khoảng chục bé đang học lớp năng khiếu vẽ, rèn chữ, trong khi nơi đây có đến 15 phòng học năng khiếu. Hầu hết các lớp năng khiếu của NTN chỉ mở vào cuối tuần hoặc chiều tối.

Nhiều thiết bị trò chơi bị "trùm mền" hoặc sứt mẻ, không an toàn cho trẻ em. Ảnh Hà- Cẩm 

16 giờ thường là cao điểm các em đến NTN sinh hoạt, vui chơi nhưng tại NTN Q. Gò Vấp, chỉ có vài em. Năm em đang đùa chơi trong nhà nhún. Khi chúng tôi hỏi, các em cho biết chuẩn bị vào lớp 6, hè không biết chơi ở đâu nên “rủ nhau qua đây chơi nhảy”. Ở đây cũng có phòng chiếu phim 3D dán dày đặc poster giới thiệu phim thiếu nhi nhưng hỏi thời điểm chiếu thì nhân viên trả lời “chưa biết khi nào”.

Tương tự, hầu hết các chương trình hát, múa, đàn, vẽ, ảo thuật…các em muốn học phải đóng phí từ 150.000 – 300.000đ/tháng. Nhiều lớp học dẫn chương trình, nói trước đám đông, kỹ năng sống…thì không đủ học viên nên không mở lớp. Hồ bơi, sân patin đều thu phí.

Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp, Q.12 ngoài là nơi để người lớn chơi thể thao, còn được tận dụng để tư nhân mở khu vui chơi cho trẻ. Nhưng thời điểm chúng tôi đến, chỉ lác đác vài trẻ chơi đá banh ở khoảng sân phía sau cỏ mọc um tùm, còn các thiết bị cho trẻ chơi thì “trùm mền”.

Cơ sở vật chất ở đây cũ kỹ, tường bám đầy rêu, phòng đọc sách kín cửa; các thiết bị vui chơi cũng xuống cấp không đảm bảo an toàn. Trò chơi xe quay thì xe nhựa bị vỡ chìa ra cạnh sắc nhọn, dây điện lòng thòng ngay vị trí bé để chân rất nguy hiểm. Ghế đu bị rớt mất cửa khóa, bé nhỏ khi chơi có thể té nhào ra phía trước. Một số bé tự tìm trò chơi ở một dụng cụ tập thể dục dành cho người lớn đặt ở khoảng sân sau của cơ sở này.

Không thu hút, vì sao?

Ông Tạ Nguyễn Tuyến, Giám đốc NTN Q.1 thừa nhận: sân chơi cho các em thiếu nhi của NTN này còn hạn chế do khó khăn về cơ sở vật chất. “Do vậy, chúng tôi đưa hầu hết các hoạt động hè dành cho thiếu nhi về khu phố, phường. Chẳng hạn như liên hoan văn nghệ hè, giải bóng đá, chương trình du khảo vòng quanh Q.1…”. Được biết, đã có đề án xây mới NTN này nhưng chưa thực hiện do gặp khó khăn về kinh phí”.

Theo bà Lê Thị Hiếu, Phó Giám đốc NTN Q. Thủ Đức, NTN có gần chục câu lạc bộ năng khiếu thu hút khoảng vài trăm bé tham gia. Song, đây cũng chỉ là một lượng rất nhỏ so với số em trong độ tuổi thiếu nhi của quận. “Tại khuôn viên NTN, ngoài các lớp năng khiếu, hiện mỗi tối thứ Bảy, chúng tôi tổ chức sân chơi cuối tuần với không gian ẩm thực, trò chơi dân gian và sân khấu măng non.

Dù rất muốn tổ chức những sân chơi đa dạng hơn, phong phú hơn, nhưng để NTN trở thành sân chơi mỗi ngày cho các bé trong dịp hè thì chúng tôi cũng còn loay hoay, chưa tìm được hướng ra, giải pháp cụ thể”, bà Lê Thị Hiếu bộc bạch.

 

Một vài nơi- kể cả cơ ngơi hoành tráng của NTN Thủ Đức  (ảnh hồ bơi) cũng chỉ lác đác thiếu nhi đến sinh hoạt, vui chơi. Ảnh Hà- Cẩm

Nhiều gia đình chọn công viên làm điểm vui chơi hè cho con để trẻ vừa có không gian chạy nhảy, vừa không phải tốn tiền. Một số nơi hiện cũng có trang bị khu trò chơi miễn phí cho thiếu nhi như cầu tuột, nhà banh, bập bênh, xích đu, thú nhún…. Tuy vậy, các trò chơi kém đa dạng nên trẻ chơi vài lần là chán. Chưa kể, phụ huynh còn e ngại bởi mức độ vệ sinh và an toàn kém.

Đơn cử tại Công viên Tao Đàn, rất nhiều chi tiết trên thiết bị trò chơi bị mất, sứt mẻ. Chẳng hạn, thiết bị trò chơi ngồi trên thú xoay vòng tròn, phần tay cầm được gắn trên đầu con thú để bé tạo thăng bằng khi ngồi chơi đã gần như bị mất hết. Phần lò xo của con thú nhún được làm bằng kim loại, sau thời gian bị oxy hóa đã không còn dính chặt với bộ phận cố định dưới mặt đất, bé có thể bị mất thăng bằng. Phần cửa, mép cửa ở những ngôi nhà bằng nhựa đã bị vỡ, hở ra lõi sắt hoặc chính phần nhựa cũng nham nhở cạnh sắc.

Tại công viên Gia Định, Q.Gò Vấp thì các trò chơi miễn phí cho trẻ đa dạng hơn, đặc biệt có những trò chơi đu, leo trèo có tính vận động cao nhưng chỉ dành cho trẻ từ 12 – 15 tuổi.

Đông, vui, hào hứng  là hình ảnh hiếm ở các sân chơi hè cho thiếu nhi. Ảnh Hà- Cẩm

Được biết, mỗi khu phố tại các phường, quận dịp hè đều tổ chức sân chơi sinh hoạt cho trẻ. Tại khu phố 4, P.6, Q.Gò Vấp giăng băng rôn “Điểm sinh hoạt hè…Thiếu nhi thành phố anh hùng nói điều hay làm việc tốt” trông rất bài bản, nhưng khi chúng tôi đến thì các hoạt động sinh hoạt cho thiếu nhi vẫn chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Quyết Thắng – Tổ trưởng Tổ bảo vệ khu phố 4 cho biết: “Mỗi tuần các em sinh hoạt một lần. Năm nào cũng tổ chức vậy và năm nào các chương trình cũng như nhau”.

An Hà – Nguyễn Cẩm

www.phunuonline.com.vn

sân chơi, thiếu nhi, vui chơi hè, sân chơi hè


© 2021 FAP
  244,277       3/715