PNO - “Cần cấp bách định hình ngành công nghiệp phụ trợ” là kiến nghị chung của gần 20 doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn
Phụ liệu ngành may hiện nay vẫn lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Ảnh internet
DN chủ động chuyển dịch phương thức sản xuất
Ngành may mặc Việt Nam hiện đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung NPL từ TQ với tỉ lệ hơn 50%. Nguyên nhân là do NPL TQ có lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú và chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, việc lựa chọn NPL TQ không chỉ do DN Việt Nam mà còn từ sự chỉ định của khách hàng. Nếu DN sản xuất theo phương thức gia công thì sự lệ thuộc còn lớn hơn vì không thể chủ động trong phát triển nguồn NPL mà hoàn toàn do khách hàng cung cấp. Điều đáng nói là hiện đa phần các DN may mặc VN có qui mô vừa và nhỏ đều hoạt động theo hình thức gia công chứ chưa chuyển đổi sang phương thức mua nguyên liệu-bán thành phẩm (FOB).
Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex Saigon js) chia sẻ: Theo tôi, bản thân DN cần có sự chuyển dịch để giảm lệ thuộc NPL TQ. Để có thể thuyết phục khách hàng mua NPL ở nước khác (thường có giá cao hơn TQ) là không dễ, nhưng không có nghĩa là không thể. Trường hợp cụ thể trong rất nhiều đơn hàng lớn tại Gamex cho thấy “nếu chứng minh được lợi ích lâu dài (ổn định nguồn NPL, phù hợp điều kiện xuất xứ trong quy định của hoạt động hội nhập, ...) và cả phương án “bù” chênh lệch giá, hay đa dạng hóa NPL để dễ tìm nguồn cung thay thế thì khách hàng vẫn đồng ý thực hiện.
Đầu từ phát triển mẫu mã – một bước quan trọng để thuyết phục khách hàng sử dụng NPL theo ý DN. Ảnh An Hà
Hơn nữa, khi chi phí đầu vào tăng buộc DN cần có nhiều bước chuyển mình như: cải tiến, tái cơ cấu để nâng cao năng suất lao động nhằm tăng doanh thu, sản lượng. Việt Nam không còn lợi thế về lao động giá rẻ, tuy nhiên kỹ năng, tay nghề của lao động VN lại có sự khéo léo hơn hẳn lao động TQ và Bangladesh.
Do đó, DN nên chuyển đổi sang thực hiện các sản phẩm có kỹ thuật cao, trung-cao cấp. Theo đó sẽ cần nguồn NPL cao cấp, đắt tiền hơn, dù chi phí NPL có nhỉnh hơn nhưng vẫn không chiếm tỷ trong cao trong kết cấu giá thành.
Ông Lê Quang Hùng đề xuất một giải pháp: DN nên chủ động trong khâu lên mẫu mã, lựa chọn NPL tương ứng, xây dựng giá thành và chào mời khách hàng. Với cách này (gọi tắt là ODM), DN không còn bị lệ thuộc theo chỉ định của khách hàng và có thể chọn nhiều nguồn NPL khác nhau đồng thời có phương án bù chênh lệch (nếu có) từ các chi phí khác trong giá thành. Gamex Saigon js đã thành lập chi nhánh tại SanPedro, Los Angeles, Hoa Kỳ để thực hiện theo phương thức này. Đến nay đã có đơn hàng hơn 2,5 triệu USD. Tuy chưa lớn nhưng cũng mở ra triển vọng cho phương thức kinh doanh ODM mà công ty đang thử nghiệm.
Cần những chính sách ưu đãi của nhà nước
Nếu chỉ tự thân các DN vận động sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi theo ông Lê Đông Triều- TGĐ Tập đoàn dệt may Gia Định: “Để thành lập một DN may cần khoảng 30 tỷ với 400 lao động, nhưng với một nhà máy sợi thì cần số vốn gấp hàng chục lần. Do vậy cần đến sự hỗ trợ từ phía chính phủ.
Các DN đã đồng lòng kiến nghị Nhà nước nên hoạch định các khu/cụm công nghiệp đặc thù nhằm tháo gỡ “nút thắt” cho nguồn cung NPL hiện là ngành nhuộm và thuộc da, xi mạ (phụ liệu kim loại). Hỗ trợ DN vay vốn kích cầu không lãi suất (hoặc hỗ trợ lãi suất) dài hạn cho các khoản đầu tư/vận hành xử lý nước thải; miễn, giảm tiền thuê đất; miễn giảm thuế thu nhập từ khi có lãi,... Có chính sách khuyến khích DN FDI đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu vì đòi hỏi chi phí lớn, công nghệ cao.
Ngành may của VN rất phát triển, nhưng phụ liệu ngành may chưa được đầu tư qui mô. Ảnh internet
Về phụ liệu: Lập quỹ đất nhằm qui tập DN đầu tư sản xuất phụ liệu ngành dệt may/da giày cùng các chính sách khuyến khích, như: miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập để tích lũy đầu tư công nghệ tiên tiến, vay kích cầu đầu tư dài hạn, miễn giảm tiền cơ sở hạ tầng hoặc xử lý nước thải...
Khi phải mua NPL theo đường vòng, từ các nước khác hay nội địa hóa, chắc chắn giá thành sẽ cao hơn NPL TQ. Vì vậy, các DN đề nghị nhà nước điều chỉnh thuế suất thu nhập xuống còn khoảng 15% kèm theo qui định tất cả tiền được ưu đãi từ chính sách trên, DN phải dùng vào việc tái đầu tư phát triển.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ để kết nối kết nối cung – cầu trong nội địa, thúc đẩy nguồn cung tại chỗ phát triển. Hiện nhiều DN dệt trong nước có khả năng thiết kế theo đơn đặt hàng song không nhiều DN may biết được điều này.
TP.HCM sẽ đề xuất lên chính phủ
Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Hội đã và sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích để kết nối DN sản xuất NPL và DN may trong cả nước, tận dụng nguồn cung nội địa. Đồng thời khai thác thêm thị trường ASEAN, trước đây là thị trường Indonesia, sắp tới là Malaysia.
Ông Nguyễn Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan đề ra giải pháp: các DN nên kết hợp với nhau, cổ phần hóa để nâng cao nội lực. Ảnh An Hà
Việc đầu tư một nhà máy sợi, dệt – nhuộm là cực kỳ tốn kém, cần cả ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần một nhà máy may vì ngoài vốn còn cần đến cả hệ thống xử lý nước thải với công nghệ đi kèm. Lĩnh vực này ở VN đa phần là DN quy mô nhỏ, chất lượng tiêu chuẩn nội địa. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, các DN nên kết hợp với nhau, cổ phần hóa để nâng cao nội lực.
Ông cũng đại diện hội kiến nghị “Nhà nước nên có chính sách ưu đãi để thu hút tối đa đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực dệt sợi, nhuộm”.
Tham dự tại buổi tọa đàm, ông Lê Văn Khoa, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng đồng tình với những kiến nghị của DN. Ông cho biết sẽ ghi nhận và trình lên lãnh đạo TP để đệ trình chính phủ. TP cũng đang đề xuất với chính phủ có những ưu đãi để phát triển công nghiệp phụ trợ như: tăng thời hạn miễn thuế thu nhập DN, thuế thuê đất cho cả DN đầu tư cơ sở hạ tầng và DN sản xuất.
VN đang trong tiến trình hội nhập khu vực 2015 và thực thi các hiệp định thương mại TPP, EU - VN, liên minh thuế quan Nga-Belarus, Kazastan vào những năm 2016. Nếu không nỗ lực, quyết tâm chuyển đổi thì DNVN sẽ tụt hậu và “thua ngay trên sân nhà” khi DN, hàng hóa các nước trong hiệp định tràn ngập tại VN, song song đó là áp lực phụ thuộc nguồn cung từ TQ.
An Hà
tọa đàm, nguyên phụ liệu ngành may, giảm nguồn cung từ TQ