PN - Trước tình trạng giá sữa “nhảy múa” liên tục trong nhiều năm qua, ngày 21/5, Bộ Tài chính ban hành quyết định bình ổn giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi.
Thấp hơn 10-20% so với giá hiện hành
Theo đó, sản phẩm sữa được áp mức giá trần thấp hơn từ 10-20% so với giá hiện hành, và mức giá bán lẻ không vượt quá 15% giá tối đa trong khâu bán buôn (bán sỉ). Bộ Tài chính cũng yêu cầu thực hiện công khai giá tại nơi bán sản phẩm để người tiêu dùng theo dõi.
Dưới đây là bảng giá 25 sản phẩm chính của năm doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường gồm: Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A, Công ty Mead Johnson Việt Nam. Những sản phẩm được áp trần bao gồm Dielac Alpha, Friso Gold, Frisolac Gold (của Dutch Lady), Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen…
Quyết định áp mức giá trần có hiệu lực kể từ ngày 1/6 và được thực hiện trong khâu bán sỉ chậm nhất sau 10/6; đối với khâu bán lẻ, chậm nhất là 20/6. Giá bán lẻ được xác định không được cao quá 15% so với giá bán sỉ.
Riêng đối với những sản phẩm sữa khác đang lưu hành trên thị trường thì các tổ chức, cá nhân căn cứ vào quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành và so sánh giá của sản phẩm sữa đó với sản phẩm sữa đã công bố giá để xác định giá tối đa, gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá.
Đáng chú ý, một loạt sữa dành cho trẻ em đã được các doanh nghiệp “lách” quy định từ trước - giảm trọng lượng để giá bán không tăng, thì lại không nằm trong danh mục bị áp giá trần sữa cho lần này.
Bình ổn giá sữa là điều người tiêu dùng mong đợi. Ảnh internet
Vui, và… lo
Bộ Tài chính cho biết cách tính giá trần như sau : Giá thành sản phẩm + chi phí + lợi nhuận hợp lý = giá trần.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính này không tính đến yếu tố cạnh tranh và không phù hợp với quy định của Luật Giá. Tuy nhiên, để dẫn đến việc Nhà nước phải áp giá trần thì các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này khi chuỗi tăng giá bất hợp lý đã đè nặng lên vai người tiêu dùng, trong khi doanh nghiệp chỉ “rung đùi” hưởng lợi. Nghiên cứu của Bộ Công thương mới đây cho thấy, chi phí quảng cáo và tiếp thị, mức chiết khấu của hãng sữa luôn cao hơn 1,5-2 lần mức quy định và đều được tính vào giá thành.
Trong khi đó, nếu căn cứ theo mức giá trần sẽ được áp dụng, nhiều mặt hàng sữa sẽ có giá thấp hơn so với giá hiện hành từ 30.000đ đến hơn 100.000đ. Cụ thể, sản phẩm có giá bán cao nhất hiện nay là Smilac GainPlus IQ 1,7kg giá bán lẻ hiện tại là 875.000đ, khi áp giá trần, giá bán sỉ là 692.000đ, nếu cộng thêm 15% mức tối đa của giá bán sỉ thì sản phẩm đến tay người tiêu dùng thấp hơn hiện tại khoảng 80.000đ; hay như Enfagrow A+3 vanilla 900g, giá bán lẻ là 475.000đ, khi áp giá trần bán buôn là 309.0000đ, cộng thêm mức tối đa 15% của giá bán lẻ, thì người tiêu dùng lợi 120.000đ…
Việc áp giá trần sữa áp dụng từ 1/6 là niềm vui cho các gia đình đang nuôi con nhỏ. Tuy vậy, vấn đề là việc thực thi như thế nào khi thực tế có hàng ngàn cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng này. Bởi theo yêu cầu của Bộ Tài chính thì không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đăng ký giá bán mà các cửa hàng, đại lý bán lẻ cũng phải đăng ký với cơ quan quản lý giá ở địa phương. Như vậy thủ tục đăng ký như thế nào, cơ quan chức năng giải quyết đăng ký giá sữa cho đại lý trong thời hạn bao lâu, kiểm soát ra sao; trường hợp đại lý “xé rào” bán cao hơn quy định thì có kịp phát hiện và xử lý?… Về những vấn đề vừa nêu, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể.
Đ. PHONG - Đ. THƯ
áp giá trần sữa, bình ổn giá sữa