Tiêu dùng

Giá thực phẩm tăng theo… lễ, cước vận chuyển

PN - Giá xăng dầu tăng, xe hàng bị giám sát kỹ, bắt buộc chở đúng tải trọng nên cước vận chuyển tăng; thời tiết nóng nực, nghỉ lễ kéo dài… là những nguyên nhân

Nhiều mặt hàng thực phẩm bắt đầu đợt tăng giá

Đồng loạt tăng giá 

Tại TP.HCM, theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi các loại rau ăn lá và một số loại quả như bầu bí, su su, dưa leo… trồng tại các nhà vườn ngoại thành ít biến động thì một số loại rau từ Đà Lạt về các chợ đầu mối Tân Xuân (huyện Hóc Môn), Tam Bình (Q.Thủ Đức) tăng giá đáng kể so với cách đây một tuần. Ngoài nguyên nhân do nắng nóng, còn do nhu cầu sử dụng nhiều trong những ngày lễ hội. Chẳng hạn, rau bó xôi từ 20.000đ/kg lên 25.000đ/kg, bắp cải, cà chua 5.500 lên 6.000đ/kg, khoai tây từ 18.500đ/kg lên 21.000đ/kg… 

Giá một số loại thủy, hải sản tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền (Q.8) cũng tăng nhẹ. Cá lóc bông đưa từ An Giang về chợ tăng từ 48.000đ/kg lên 50.000đ/kg, cá tra từ 25.000đ/kg lên 28.000đ/kg… 

Bà Sáu Thúy, một đầu mối kinh doanh rau củ tại chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, nhiều loại rau vận chuyển từ Đà Lạt về đã tăng giá từ khoảng gần một tuần nay, trùng với thời điểm tăng giá xăng. “Dù chưa chính thức tăng giá cước vận chuyển nhưng nhiều tài xế sau mỗi chuyến hàng thường yêu cầu hỗ trợ thêm phí vận chuyển do giá xăng dầu tăng và do thời gian gần đây các trạm kiểm soát tải trọng kiểm tra nghiêm ngặt, tài xế không dám chở quá tải như trước…”, bà Thúy giải thích. 

Tại chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp), giá cá lóc tăng thêm 10.000đ/kg, lên 90.000đ/kg; mãng cầu cũng tăng thêm 10.000đ, lên 80.000đ/kg; cam sành từ 20.000đ lên 30.000đ/kg; đường, dầu ăn tăng thêm 2.000đ/kg. Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết : “Dù giá cước vận chuyển bị ảnh hưởng do việc quản lý tải trọng xe, nhưng hiện thương nhân cố gắng cầm cự để giữ mối. Giá hàng hóa sắp tới khó dự đoán vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố cung cầu, sức mua…”. 

Tại Hà Nội, giá gạo tại nhiều cửa hàng đồng loạt tăng thêm 1.000 - 2.000đ/kg. Bà Nguyễn Thị Lý, đại lý gạo ở Nhổn, Từ Liêm, giải thích: “Giá gạo thực chất vẫn giữ nguyên, nguồn hàng không hề khan hiếm nhưng do bị siết chặt quản lý tải trọng của xe nên tiền cước vận chuyển tăng”. Tài xế Lương Văn Hòa (Đức Trọng, Lâm Đồng) - một lái xe chuyên chở nông sản tuyến Bắc - Nam tiết lộ, trước đây, hầu hết xe có trọng tải 15 tấn đều phải chở tới 30 - 35 tấn. Như vậy, khi chấp hành nghiêm túc việc chở đúng trọng tải của xe, giá cước vận chuyển của các mặt hàng có thể tăng lên gấp đôi. 

Tương tự, dù giá đường tại các siêu thị hiện nay vẫn giữ nguyên, song đường bán lẻ tại các chợ cũng đã rục rịch tăng giá khoảng 500 - 600đ/kg. Tại chợ Hà Đông, hầu hết giá mặt hàng hoa quả đều tăng. Xoài Cát Chu tăng từ 3.000 - 5.000đ/kg, dưa hấu Sài Gòn tăng từ 2.000 - 4.000đ/kg, nho Ninh Thuận tăng 5.000đ/kg… Chị Nguyễn Thị Hòa (Văn Phú, Hà Đông) than: “Chỉ hai ngày đi chợ mà đã thấy giá cả thay đổi chóng mặt. Nếu tính từng mặt hàng thì có thể không đáng bao nhiêu, nhưng tăng đồng loạt như vậy thì chi phí cho các bữa ăn gia đình đội lên khá nhiều”. 

Té nước theo mưa 

Không phủ nhận tác động của chủ trương lập lại kỷ cương vận tải lên giá thị trường, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các tiểu thương đang lợi dụng tình trạng này để tăng giá. Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đường Biên Hòa cho hay, giá các mặt hàng tăng hay không phụ thuộc vào cự ly tiêu thụ. “Tới thời điểm này, giá đường vận chuyển theo tuyến Bắc Nam có thể đội chi phí lên đến 1.000đ/kg. Tuy nhiên, thị trường miền Bắc cũng có các đơn vị cung ứng nên giá phí này đương nhiên sẽ thấp hơn nhiều nếu tiêu thụ tại địa bàn”. Với những thị trường tiêu thụ đường gần như “tại chỗ” thì giá cả rõ ràng không hề bị ảnh hưởng. Tương tự, ông Phạm Hoàng Lâm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm, khẳng định: “Giá gạo nội địa do công ty phân phối hiện chưa bị ảnh hưởng do toàn bộ hàng đưa ra Bắc đều được vận chuyển bằng đường thủy”. 

Việc nhiều cửa hàng tăng giá gạo đồng loạt, không kể xuất xứ cũng khiến người tiêu dùng cảm thấy không thỏa đáng. Lẽ nào, giá cước vận chuyển gạo từ miền Nam ra Bắc cũng ngang hàng với gạo từ Nam Định, Điện Biên, thậm chí là các vùng ven đô về Hà Nội? Một chủ cửa hàng gạo bình ổn giá tại phố Bà Triệu (Hà Đông, Hà Nội) nói thẳng: mức giá vận chuyển gạo về cửa hàng có tăng, nhưng không đáng kể. Theo đó, hầu hết các loại gạo đặc sản của miền Bắc chỉ tăng khoảng 100.000đ/tấn, tức chỉ xấp xỉ 100đ/kg. Các loại gạo từ miền Nam có mức giá tăng cao nhất cũng chỉ 200đ/kg. 

 Huyền - Hà - Thư - Cẩm

Giá các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống trong hệ thống các siêu thị tại TP.HCM khá ổn định. Ngoại trừ một số mặt hàng sữa nước, nước giải khát của một số nhãn hiệu đã tăng giá khoảng 4 - 5% từ đầu và giữa tháng 4/2014, một số siêu thị cho biết chưa nhận thêm thông báo, giá nào từ nhà cung cấp. Ông Huỳnh Hữu Tuấn - Quản lý Trung tâm sỉ Citimart (Q.7, TP.HCM), nhận định: “Sắp tới dù giá hàng hóa không bị tác động bởi đợt tăng giá xăng, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi việc kiểm soát xe chở quá trọng tải. Dù sao, sức mua hiện nay vẫn còn rất thấp nên các đơn vị cần phải cân nhắc kỹ việc điều chỉnh giá”.
www.phunuonline.com.vn

giá tăng, giá thực phẩm tăng theo lễ, lễ 30/4


© 2021 FAP
  249,815       19/900