PN - Việc thịt heo nghi nhiễm bệnh vào siêu thị (ST) Big C Gò Vấp (TP.HCM) đang khiến nhiều bà nội trợ hoang mang.
Có phải là cá biệt?
Ngày 13/3, chị T. trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Tối 10/3, gia đình tôi đến ST Big C Gò Vấp (Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM) để mua thịt heo. Sau khi về nhà, tôi tá hỏa phát hiện miếng thịt heo mới mua có nổi nốt. Thậm chí, ngoài những nốt trắng ở ngoài, còn có một khối nhỏ màu xanh giống như mủ".
Chị T. liền mang miếng thịt heo này đến ST. Đại diện của Big C xin lỗi và hoàn lại tiền cho chị T.
Theo chị T., tại buổi làm việc, đại diện ST Big C Gò Vấp đã đưa ra giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y Đồng Nai cấp cho lô hàng mà ST này nhập vào ngày 10/3.
Không chỉ chị T., nhiều bà nội trợ khác cũng lo lắng. Chị Nguyễn Minh Trang, nhà Q.Phú Nhuận, nói: “Tôi đọc báo và rất sốc khi biết tin này. Lâu nay, gia đình chúng tôi cũng chỉ dám mua thịt tại ST, không mua ngoài chợ. Vụ ở Big C Gò Vấp liệu có phải là cá biệt?”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giấy chứng nhận kiểm dịch lô hàng ngày 10/3 mà Chi cục Thú y Đồng Nai cấp nêu rõ chủ hàng là Big C Đồng Nai. Trong khi đó, chị T. cho biết tại buổi làm việc với chị, đại diện Big C Gò Vấp khẳng định, giấy tờ ghi là vậy nhưng thực tế, ST này nhận hàng từ eBon. Được biết, eBon là một nhãn hàng riêng của Big C. Tuy nhiên, trả lời báo chí, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại ST Big C lại nói rằng, nguồn hàng thịt heo là từ Big C Đồng Nai. Vì Big C Đồng Nai là nơi nhận hàng từ nhiều nhà cung cấp rồi phân phối về cho các ST. “Để có kết luận khách quan nhất, chúng tôi đã kết hợp cùng nhà cung cấp kiểm nghiệm độc lập mẫu thịt này”, bà Trang nói.
Người tiêu dùng mong muốn các siêu thị tăng cường kiểm tra thực phẩm trước khi đưa hàng lên quầy - Ảnh: Phùng Huy
Đừng để con voi chui lọt lỗ kim
Sự cố người tiêu dùng mua phải thịt heo nghi nhiễm bệnh tại ST Big C khiến cho nhiều người tiêu dùng giật mình: Các ST đã kiểm soát nguồn thịt như thế nào?
Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, Co.opMart chọn các doanh nghiệp có uy tín, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng chỉ ISO hoặc HACCP. Bên cạnh đó, hệ thống Co.opmart có đội ngũ chuyên môn thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất nhà cung cấp, kiểm tra nguồn nguyên liệu, cơ sở vật chất, quy trình giết mổ, chủ động lấy mẫu ngẫu nhiên đem đến cơ quan chức năng để kiểm định chất lượng…
Theo đại diện Maximark, tất cả lô hàng trước khi giao vào ST đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Ngoài ra, nhân viên ST còn kiểm tra cảm quan để tránh tình trạng trà trộn hàng kém chất lượng.
Quy trình chặt chẽ như vậy, vì sao vẫn xảy ra sự cố? Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội ST Hà Nội, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, nói: “Ngay đến cả người tiêu dùng còn phát hiện miếng thịt có nổi nốt mà nhân viên ST lại không biết thì đó là chuyện khó chấp nhận. Trước khi đưa thịt lên quầy, nhân viên thu mua cũng phải kiểm tra bằng cảm quan”.
Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý chợ Hoàng Hoa Thám, TP.HCM, nhiều năm kinh nghiệm quản lý ngành thực phẩm lưu ý: “Giới bỏ mối thịt hay dùng “mánh” trộn thịt không nguồn gốc với thịt có đóng dấu kiểm dịch để bán. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn tình trạng này. Thậm chí, có những trường hợp, người bán tham lam, khi phát hiện heo bệnh, họ chỉ cắt bỏ đi những phần có nốt trên miếng thịt rồi lại ngang nhiên bán”.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh (TP.HCM) cũng cho biết, trong quá trình kiểm tra thực tế, cơ quan thú y đã từng phát hiện nhiều lô hàng còn nguyên niêm phong nhưng số lượng hàng thực tế nhiều hơn so với số hàng ghi trên giấy kiểm dịch. Theo ông Nguyên, tình trạng trà trộn heo chưa qua kiểm dịch hiện nay là có, thường rơi vào những lô hàng đã pha lóc.
Qua trao đổi với một số doanh nghiệp cung cấp hàng vào ST, chúng tôi được biết, ST kiểm tra rất gắt gao chất lượng hàng hóa trong giai đoạn đầu kiểm tra, thẩm định để đánh giá hàng có được vào ST hay không. Thậm chí, có ST xuống tận nhà máy, trang trại… để đánh giá điều kiện sản xuất, chăn nuôi. Nhưng, khi nhà cung cấp đảm bảo hết các yêu cầu về thủ tục giấy tờ theo quy định, chất lượng hàng hóa, thì từ sau đó, việc đưa hàng vào ST dễ hơn, có khi còn được… miễn cung cấp đủ các giấy tờ liên quan(!). Việc kiểm tra thực tế tận nơi sản xuất nhiều khi chỉ một lần/năm, có năm không kiểm tra. Vì vậy, tình trạng chất lượng sản phẩm ban đầu đạt nhưng càng về sau càng giảm là có thật.
Do đó, để nhà cung cấp tuân thủ đúng các yêu cầu ban đầu, ST phải tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm mỗi ngày. Như vậy, người tiêu dùng mới có thể yên tâm khi chọn mua hàng ở ST.
Đức Toàn - Nguyễn Cẩm
Phân biệt heo gạo và heo bị áp xe Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh, nhìn miếng thịt có thể xác định được là heo gạo hay đơn thuần heo bị áp xe trong quá trình tiêm chích. Nếu là heo gạo thì hạt trắng sẽ nhỏ và giống y hạt gạo, có cả ở các khu vực như mình, lưỡi… chứ không chỉ ở đùi. Nếu cục trắng to từ 5mm - 1cm thì khả năng là do áp xe, cục thịt bị vôi hóa, vón cục. Trường hợp này, trong quá trình pha lóc, khoét bỏ vùng bị áp xe đi, phần còn lại vẫn dùng bình thường vì không ảnh hưởng đến chất lượng cả con heo. Trước đây việc chăn nuôi còn thả rong, heo dễ bị nhiễm bệnh; còn sau này heo được chăn nuôi trong chuồng trại, tiêm thuốc phòng bệnh đầy đủ nên khó xảy ra tình trạng heo gạo. |
Thịt heo ở siêu thị có an toàn